70 năm giải phóng Thủ đô

Đồng Nai: Cần sự phối hợp để phát triển nông nghiệp cao hơn

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần có sự phối hợp giữa các địa phương, các ngành với nhau trong việc triển khai kế hoạch thực hiện phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Đồng Nai trong năm 2023 đạt kết quả cao, năm sau đạt cao hơn năm trước.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khảo sát mô hình phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương năm 2022.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khảo sát mô hình phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương năm 2022.

Đó là chỉ đạo của ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tại hội nghị thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 do Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 5/1/2023.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khảo sát mô hình phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương năm 2022.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khảo sát mô hình phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương năm 2022.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đồng Nai, năm 2022 ngành nông nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Về thuận lợi, Chính phủ đã ban hành kịp thời các chính sách về hỗ trợ phục hồi kinh tế. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản đang dần được khôi phục hoàn toàn, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi được kiểm soát tốt. Đặc biệt sản phẩm sầu riêng, chuối của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, là cơ hội lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản chủ lực của tỉnh.

Thế nhưng với nỗ lực của toàn ngành, giá trị sản phẩm trên ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ước đạt 142 triệu đồng/ha (tăng 4% so với năm 2021). Một số huyện như Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc đã đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý nên hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp đạt ở mức cao.

Năm 2022, Đồng Nai có thêm 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Sở NN&PTNT Đồng Nai đã phối hợp chặt chẽ các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Hiện tỉnh Đồng Nai có nhiều sản phẩm nông nghiệp tươi và sấy khô đã được xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài, đặc biệt các thị trường khó tính ở châu Âu.
Hiện tỉnh Đồng Nai có nhiều sản phẩm nông nghiệp tươi và sấy khô đã được xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài, đặc biệt các thị trường khó tính ở châu Âu.

Về hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định, chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, tổng đàn các đối tượng vật nuôi chủ lực tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại (khoảng 90%), khoảng 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín, 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi. Khoảng 45% tổng đàn heo, 31% tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn gốc. Từ 20 - 22% tổng sản lượng gà, heo cung ứng ra thị trường đạt chứng nhận VietGAHP; 84% cơ sở sản xuất chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải…

Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn trước và trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Năm 2022 tổng đàn heo  tỉnh Đồng Nai đạt khoảng 2,5 triệu con (tăng 4,6%) so với năm 2021, khoảng 45% tổng đàn heo được truy xuất nguồn gốc. 
Năm 2022 tổng đàn heo  tỉnh Đồng Nai đạt khoảng 2,5 triệu con (tăng 4,6%) so với năm 2021, khoảng 45% tổng đàn heo được truy xuất nguồn gốc. 

Tuy vậy, ông Võ Văn Phi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhìn nhận ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh vẫn còn những khó khăn tồn tại. Đó là việc thực hiện mục tiêu đột phá về phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyển biến còn chậm, do chưa có quy hoạch về vùng sản xuất hữu cơ, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chưa có các cơ chế chính sách riêng hỗ trợ, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tài liệu tập huấn đào tạo về sản xuất hữu cơ còn hạn chế, chưa phổ biến.

Mục tiêu năm 2023, Sở NN&PTNT Đồng Nai sẽ tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, nhất là xây dựng thương hiệu sản phẩm tỉnh, vùng, quốc gia. Nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản.

Đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chuyển đổi số, công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Tiếp tục tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn, ưu tiên các dự án đầu tư ứng dụng công nghê cao trong xử lý chất thải, dự án sản xuất giống, dự án nuôi gia cầm đẻ trứng và các dự án đầu tư gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm.

Chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng giảm tỷ trọng đàn heo, tăng tỷ trọng đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt là đầu tư các dự án chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương có nhiều tiềm năng.