Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Nai: Doanh nghiệp mong giải quyết vướng mắc trong vận chuyển hàng thiết yếu

TRƯƠNG HIỆU
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối các mặt hàng thiết yếu tại tỉnh Đồng Nai hiện đang gặp vướng mắc trong việc vận chuyển, mặc dù ngày 25/7, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo “không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân”.

Xe vận chuyển và lao động bị ngăn chặn đi lại

Ngày 25/7, Công ty TNHH chuối Gia Huy Phát (địa chỉ 86B, tổ 13, khu phố 3, phường An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã gửi “đơn kêu cứu” đến Sở Công Thương Đồng Nai về việc nhân công lao động và phương tiện vận chuyển nhu yếu phẩm cho các siêu thị đang gặp nhiều khó khăn.

Đơn kêu cứu của (Công ty TNHH chuối Gia Huy Phát cho biết công ty đang gặp khó khăn vì bị ngăn chặn phương tiện vận chuyển, nhân công lao động.
Cụ thể, theo Giám đốc Công ty TNHH Gia Huy Phát Nguyễn Văn Dũng, công ty có khoảng 150 héc ta đất trồng chuối, với sản lượng từ 1.500 tấn đến 2.000 tấn, tập trung chính ở địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Hiện chuối đang đến độ chín rộ trên các vườn và khách hàng chủ yếu của công ty là hệ thống siêu thị ở nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, do vướng mắc các chốt kiểm soát dịch tại nhiều địa phương nên sản phẩm thu hoạch không vận chuyển được đến nơi cần tiêu thụ, mặc dù công ty dù đã thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch bệnh. Điển hình, cụ thể là vướng mắc tại chốt kiểm soát phòng chống dịch tại khu phố 8, phường Long Bình, TP Biên Hòa.
Được biết, phường Long Bình, TP Biên Hoà là địa điểm mà công ty này đang đặt kho, xưởng sơ chế chuối tươi; cũng là nơi thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện qua lại hết sức nghiêm ngặt.
“Chúng tôi rất mong Sở Công Thương, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện hỗ trợ cho công ty chúng tôi. Cụ thể là tạo điều kiện để nhân viên và phương tiện vận chuyển được hoạt động thuận lợi hơn, qua đó để chúng tôi có thể phục vụ, cung cấp hàng hóa thiết yếu cho thị trường. Chứ nếu cứ như thế này, chúng tôi sẽ chịu thiệt hại rất lớn, thậm chí có khả năng công ty bị phá sản...” - ông Dũng trình bày.
Cho mang thực phẩm vào, nhưng không cho mang ra

Theo tìm hiểu của phóng viên, trường hợp của Công ty TNHH chuối Gia Huy Phát không phải là điển hình, duy nhất. Trước đó, ngày 25/7/2021, Công ty TNHH Trường Giang Phát (có trụ sở chính tại số 12/6, tổ 17, khu phố 2, phường Long Bình, TP Biên Hòa) cũng phản ánh, mặc dù công ty có đầy đủ giấy tờ hoạt động như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh sản phẩm (do Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cấp), các xe vận chuyển có Giấy nhận diện cùng mã QR Code (do Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cấp); đồng thời công ty cũng thực hiện đúng các quy định đảm bảo phòng chống dịch theo quy định… thế nhưng, công ty muốn vận chuyển hàng thực phẩm thiết yếu (thịt lợn) từ trong xưởng thuộc phường Long Bình (thuộc TP Biên Hòa) ra các điểm phân phối, vẫn bị lực lượng chức năng tại phường này chặn lại, không cho qua.
Các xe vận chuyển thực phẩm thịt lợn (của Công ty TNHH Trường Giang Phát) đang bị lực lượng chức năng chặn lại, không cho mang ra khỏi phường Long Bình (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Theo Giám đốc Công ty TNHH Trường Giang Phát Vũ Văn Tư, công ty đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cấp phép cho hoạt động với ngành nghề chính là “sản xuất và kinh doanh thịt lợn”. Công ty được phép kinh doanh, buôn bán thực phẩm thiết yếu (cụ thể là thịt lợn - NV) chưa qua chế biến. "Thế nhưng hiện nay lực lượng chức năng tại phường Long Bình ngăn chặn không cho xe của công ty chúng tôi lưu thông ra, vào xưởng để vận chuyển thịt lợn là không phù hợp. Việc này đã và đang gây ra nhiều thiệt hại cho công ty chúng tôi” - ông Vũ Văn Tư kiến nghị.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế&Đô thị ngày 25/7, Chủ tịch UBND phường Long Bình  Nguyễn Quốc Vương cho biết, Công ty TNHH Trường Giang Phát đăng ký với phường Long Bình là xe chở hàng lương thực thực phẩm để vào cửa hàng của công ty đang đóng trên địa bàn phường. UBND Phường Long Bình đã nhất trí để công ty cho xe ra vào phục vụ thực phẩm cho người dân địa phương. Phường rất cám ơn đối với những doanh nghiệp như vậy.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Vương, qua thông tin từ các lực lượng chức năng của phường, thịt lợn được công ty này đưa vào phường rồi lại đưa đi ra, thậm chí đưa ra nhiều hơn đưa vào. "UBND Phường Long Bình cho rằng, đây là cửa hàng bán thực phẩm (thịt lợn), chứ không phải lò mổ lợn. Do đó, công ty chỉ được đưa thịt lợn vào bán phục vụ cho Nhân dân, chứ không được đưa thịt ra ngoài. Ngoài ra, toàn bộ phường Long Bình đang bị phong tỏa, nếu để công ty làm thành điểm trung chuyển thực phẩm thì nguy hiểm trong vấn đề đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Chúng tôi chỉ cho hàng hóa chuyển vào phường chứ không cho chuyển ra ngoài được” - ông Nguyễn Quốc Vương nhấn mạnh.

Đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho DN

Ngày 25/7, trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế&Đô thị về các vấn đề nêu trên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai Lê Văn Lộc cho biết, các xe chở hàng hóa thiết yếu đều được cấp phép hoạt động và được cấp mã QR Code (do Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cấp) để việc lưu thông được thuận tiện hơn. Tuy nhiên gần đây, Sở cũng đã nhận được phản ánh của nhiều trường hợp tương tự như các doanh nghiệp nêu trên, từ địa phương khác như TP Long Khánh, huyện Thống Nhất…

"Chúng tôi đã có chỉ đạo cho các địa phương, thống nhất cho xe có mã QR Code do Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cấp được phép lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu” - ông Nguyễn Văn Lộc khẳng định.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai Dương Mạnh Hưng cũng cho biết, trong hai tháng qua, Sở này đã cung cấp vài ngàn mã QR Code cho các xe vận chuyển hàng hoá thiết yếu của các doanh nghiệp trên toàn tỉnh. Số xe này hiện đang được phép vận hành, lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu trên các tuyến đường của địa phương.

“Những xe vận chuyển hàng hóa thực phẩm thiết yếu, hoàn toàn được đi lại, vận chuyển hàng hóa thực phẩm. Nhưng phải tuân thủ các quy định phòng  chống dịch Covid-19. Người lái xe, phụ xe, bốc xếp trên xe phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính giá trị trong vòng 3 ngày. Xe phải khử khuẩn và đảm bảo mọi yêu cầu của Bộ  Y tế…” - ông Dương Mạnh Hưng cho biết.

Sáng 26/7, ông Nguyễn Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cung cấp thông tin, lãnh đạo Sở NN&PTNT Đồng Nai đã trực tiếp trao đổi cùng lãnh đạo UBND TP Biên Hòa, làm rõ nguyên nhân từ các bên, xử lý nhanh chóng những bất cập, đồng thời chỉ đạo UBND phường Long Bình kịp thời tổ chức tháo gỡ vướng mắc tại địa bàn.
“Qua sự việc này, Sở NN&PTNT cũng mong UBND TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Đắk Lắk... tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong khâu lưu thông vận chuyển hàng hóa nông sản" - ông Nguyễn Trường Giang đề nghị.

Ngày 25/7, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1015/TTg-CN về việc vận chuyển hàng hóa tiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19. Theo đó Chính phủ yêu cầu các bộ, các cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán Giấy nhận diện có mã QR Code của ngành giao thông vận tải)… Cũng theo công văn của Thủ tướng Chính phủ, việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm gia nhận hàng hóa, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch.