Đồng Nai: Đối thoại với nông dân, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp

Trương Hiệu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/3/2023, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị gặp gỡ đại diện bà con nông dân, các nhà khoa học, quản lý… để cùng trao đổi tìm giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp trong năm 2023. Tổ chức lại sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, nhu cầu của thị trường.

Lần đầu tiên, tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị quy mô bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc và phát triển nông nghiệp bền vững
Lần đầu tiên, tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị quy mô bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc và phát triển nông nghiệp bền vững

Lần đầu tiên tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị quy mô lấy ý kiến nông dân, nhà quản lý, nhà khoa học để phát triển ngành nông nghiệp. Hàng trăm đại biểu là lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và bà con nông dân cùng thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Qua đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân và xây dựng nông thôn ngày càng hiện đại.

Phát biểu tại hội nghị gặp gỡ nông dân, ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai mong muốn các cấp các ngành cùng bàn giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị gặp gỡ nông dân, ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai mong muốn các cấp các ngành cùng bàn giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh.

Tại hội nghị ông Võ Văn Phi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Hội nghị với mong muốn các cấp lãnh đạo tỉnh và đại diện của nông dân thẳng thắn tham gia đóng góp các ý kiến về khó khăn, tồn tại, kiến nghị trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nông dân và xây dựng nông thôn mới. Đề xuất, định hướng cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới”.

Ông Võ Văn Phi đánh giá, trong thời gian qua, tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng. Người nông dân và các cá nhân tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Hội nghị gặp gỡ nông dân tại tỉnh Đồng Nai ngày 23/3/2023.
Hội nghị gặp gỡ nông dân tại tỉnh Đồng Nai ngày 23/3/2023.

Cụ thể, giá cả vật tư đầu vào phục vụ ngành nông nghiệp luôn tăng cao. Xuất khẩu nông lâm thủy sản, thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, tác động đến thị trường hàng hóa trong nước. Tất cả những yếu tố đó đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu.

Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã và đang đặt ra mục tiêu chiến lược phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản.

Sầu riêng là mặt hàng tại ra giá trị kinh tế lớn cho ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, năm 2023 vụ thu hoạch được dự báo giá thu mua sầu riêng tăng mạnh do thị trường Trung Quốc mở rộng.
Sầu riêng là mặt hàng tại ra giá trị kinh tế lớn cho ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, năm 2023 vụ thu hoạch được dự báo giá thu mua sầu riêng tăng mạnh do thị trường Trung Quốc mở rộng.

Đồng thời tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Tập trung chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, thị trường. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi. Đặc biệt là hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất trái cây, chăn nuôi, thủy sản.

Được biết, tính đến tháng 12/2022, tỉnh Đồng Nai đạt tổng đàn heo khoảng 2,5 triệu con, gia cầm khoảng 28 triệu con (đàn gà 26,6 triệu con; đàn trâu và bò khoảng 93.000 con). Thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi cơ bản ổn định, giá các sản phẩm heo, gà và trứng gia cầm có xu hướng tăng và phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống và các chi phí khác đều tăng cao. Tỷ lệ đàn hao hụt do dịch bệnh vẫn lớn nên giá thành nuôi heo hiện bị đẩy lên khá cao đã làm lợi nhuận người chăn nuôi giảm.

Ngành chăn nuôi heo tại Đồng Nai thời gian qua gặp nhiều khó khăn do giá vật liệu chăn nuôi nhập khẩu tăng cao.
Ngành chăn nuôi heo tại Đồng Nai thời gian qua gặp nhiều khó khăn do giá vật liệu chăn nuôi nhập khẩu tăng cao.

Tình hình phát triển trồng rừng, bảo vệ rừng trên toàn tỉnh ổn định. Công tác theo dõi, quản lý chặt chẽ nguồn gốc lâm sản, giống cây trồng lâm nghiệp. Hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh được tập trung thực hiện. Công tác bảo vệ và phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng được chú trọng thực hiện.

Công tác bảo vệ rừng, trồng rừng, sản xuất dưới tán rừng đang được tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt.
Công tác bảo vệ rừng, trồng rừng, sản xuất dưới tán rừng đang được tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt.

Về lĩnh vực trồng trọt, hiện tại tỉnh Đồng Nai đạt 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới có chất lượng cao. Trên 130 đơn vị sản xuất, chế biến nông sản được cấp nhãn hiệu hàng hóa. Diện tích ứng dụng tưới tiết kiệm đạt 57.822 ha. Gần 2.000 ha cây trồng chủ lực của tỉnh đạt chứng nhận sản xuất an toàn.

Bên cạnh đó, trên đia bàn tỉnh đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô 1.454 cây trồng. Gần 150 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới. Đến nay, toàn tỉnh có trên 120 mã số vùng trồng với diện tích 24.200 ha và 58 mã số nhà đóng gói xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần