Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Nai: Nhức nhối với trên 300 trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng Nai được xem là thủ phủ chăn nuôi của cả nước. Thế nhưng, trong những năm qua các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Trước tình trạng đó, chính quyền và cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã vào cuộc nhưng chưa thể xử lý dứt điểm.

Một trang trại chăn nuôi ở huyện Xuân Lộc có vối đầu tư FDI đã từng bị phạt hàng trăm triệu đồng do gây ô nhiêm môi trường.
Một trang trại chăn nuôi ở huyện Xuân Lộc có vối đầu tư FDI đã từng bị phạt hàng trăm triệu đồng do gây ô nhiêm môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai vừa thực hiện rà soát hồ sơ, kết hợp với tổng kiểm tra thực tế về thủ tục pháp lý bảo vệ môi trường đối với các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Một màu nước đỏ quánh được thải ra từ trang trại chăn nuôi heo có vối FDI trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Một màu nước đỏ quánh được thải ra từ trang trại chăn nuôi heo có vối FDI trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Đáng chú ý, Sở TN&MT phát hiện trên 300 cơ sở chăn nuôi có hợp đồng nuôi gia công cho các tập đoàn, công ty chăn nuôi có vốn đầu tư FDI, như C.P. Việt Nam, Japfa Comfeed Việt Nam, CJ Vina Agri (chi nhánh Đồng Nai) và Sunjin Vina… nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục về môi trường.

Bên thuê đất chăn nuôi "phủi" trách nhiệm!

Trang trại của Công ty TNHH MP (tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) có diện tích trên 12 ha, với quy mô chăn nuôi khoảng 2.400 con heo nái/đợt nuôi. Trên thực tế, Công ty TNHH MP là đơn vị có đất, rồi ký hợp đồng với một tập đoàn chăn nuôi FDI thuê, tập đoàn này đứng ra thực hiện chăn nuôi heo.

Một góc trang trại chăn nuôi tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) thải nước bẩn không đảm bảo môi trường.
Một góc trang trại chăn nuôi tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) thải nước bẩn không đảm bảo môi trường.

Qua kiểm tra về môi trường, cơ quan chức năng ghi nhận, trang trại với quy mô chăn nuôi heo lớn nhưng hệ thống hầm biogas phủ bạt tạm bợ, bể chứa chất thải để lộ thiên có màu nâu đỏ, thậm chí có bể chứa đã nổi màu rêu xanh, mùi hôi thối phủ khắp cả khu vực trang trại.

Năm 2018, Công ty TNHH MP (chủ đất) đã bị UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt với tổng số tiền 775 triệu đồng vì xả nước thải có chứa các thông số môi trường thường vượt mức cho phép. UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công ty TNHH MP nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt hành chính này. 

Một cán bộ huyện Xuân Lộc cho biết, trên địa bàn huyện Xuân Lộc có nhiều trang trại ký hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt cho các tập đoàn chăn nuôi FDI. Có nhiều trang trại nuôi số lượng lên đến hàng nghìn con. Tuy nhiên, khi bên thuê trang trại gây ô nhiễm môi trường thì các cơ quan chức năng vẫn phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đất, chủ trang trại. Từ đây, phát sinh tranh chấp giữa bên thuê và bên cho thuê trang trại trong việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính này. 

Một dòng suối tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) trở nên trắng đục và hôi hám do nước thải từ trang trại chăn nuôi có vốn FDI.
Một dòng suối tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) trở nên trắng đục và hôi hám do nước thải từ trang trại chăn nuôi có vốn FDI.

Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Vĩnh Cửu cho biết, quan trọng nhất là hợp đồng thỏa thuận ngay từ ban đầu giữa bên cho thuê đất, thuê trang trại và bên thuê để chăn nuôi. Tuy nhiên thường bên thuê trang trại để chăn nuôi đẩy phần pháp lý môi trường về bên cho thuê đất chịu trách nhiệm. Điều này dẫn đến các công ty chăn nuôi "phủi" trách nhiệm khi trang trại vi phạm xả thải ra môi trường.

"Ngay từ đầu, nếu cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đất, chủ trang trại và bên thuê để chăn nuôi trong việc xây dựng trang trại đúng quy định, làm đúng các hồ sơ, thủ tục thì mới cấp phép và thường xuyên kiểm tra...thì làm sao dẫn đến việc vi phạm về môi trường", bà Hương phân tích.

Một trạng trại khu vực huyện Cẩm Mỹ thải trực tiếp ra đất trống.
Một trạng trại khu vực huyện Cẩm Mỹ thải trực tiếp ra đất trống.

Cần xử lý dứt điểm chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay, xuất phát từ nhu cầu “kích cầu” phát triển kinh tế vùng chăn nuôi, tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho các tập đoàn, công ty chăn nuôi lớn về đầu tư. Thế nhưng, sau khi bùng nổ trang trại chăn nuôi là đến thời kỳ người dân và chính quyền địa phương nhận ra những hệ lụy về ô nhiêm môi trường phát sinh.

“Vẫn biết việc phát triển chăn nuôi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng hậu quả về môi trường để lại cũng quá lớn. Chưa kể xe ra vào các trang trại dẫn đến cơ sở hạ tầng đường đi cũng bị hư hại. Trong khi đó, phía đơn vị đầu tư chăn nuôi thu lợi nhuận nhưng lại không hề gánh vác trách nhiệm với địa phương”, lãnh đạo xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) nhận xét.

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên - Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, hiện toàn huyện có trên 200 trang trại chăn nuôi, mật độ trang trại chăn nuôi trên địa bàn đã vượt ngưỡng cho phép. Vì vậy, UBND huyện đã báo cáo với Huyện ủy xin chủ trương dừng thu hút các dự án đầu tư chăn nuôi trên địa bàn từ nay cho đến năm 2030.

Bọt nước hôi hám từ một trang trại nuôi heo trên địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai).
Bọt nước hôi hám từ một trang trại nuôi heo trên địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai).

Cũng theo bà Tiên, hiện UBND huyện Xuân Lộc đã thành lập đội chuyên môn tăng cường kiểm tra môi trường các trang trại chăn nuôi trên địa bàn. Đối với các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ nằm gần khu vực dân cư thì phải thực hiện di dời. Đồng thời, các trang trại không thực hiện về môi trường thì huyện sẽ thực hiện xử lý nghiêm. 

Đồng Nai hiện là địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn với hơn 2,4 triệu con heo và gần 24 triệu con gà, gần 10.000 cơ sở chăn nuôi. Để đảm bảo phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn đảm bảo môi trường, Sở TN&MT Đồng Nai đề nghị UBND các huyện và TP Long Khánh khẩn trương kiểm tra, có giải pháp xử lý vi phạm môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi gia công cho các công ty FDI nói trên.