Khối ngoại mua ròng hơn 200 tỷ đồng
Sự thận trọng của khối tự doanh hôm nay là nguyên nhân khiến cho thị trường giao dịch kém tích cực trong phiên sáng. Có thời điểm, VN Index rớt khỏi mốc 1.220 điểm, trước áp lực bán tháo từ khối nội. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khối ngoại vẫn âm thầm gom hàng khiến phần nào kìm được đà giảm của chỉ số.
Sang phiên chiều, chứng kiến khối ngoại vẫn miệt mài gom hàng, nhà đầu tư nội “quay xe” mua vào. Nhờ vậy, bảng điện dần chuyển xanh với số mã tăng được nới rộng đáng kể so với mã giảm, từ đó kéo chỉ số kết phiên với số điểm tăng. Cụ thể, VN Index tăng 6,66 điểm (0,54%) lên 1.238,47 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường vẫn duy trì ngưỡng trung bình yếu, đạt 20.300 tỷ đồng, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư bất chấp những tín hiệu tích cực.
Nhóm nhựa hóa chất thu hút dòng tiền trở lại mạnh mẽ nhất, với GVR và CSV tăng trần, DGC +1,5%, DCM +2%, NTP +5,5%, LAS +6,6%, AAA +2,2%; DPM, PHR, BMP, DPR… tăng nhẹ.
Nhóm bất động sản có đóng góp lớn nhất cho sự phục hồi của thị trường hôm nay. VIC và VRE tăng nhẹ, VHM đứng tham chiếu. Nhiều mã tăng mạnh như DIG +4,9%, TCH +3,5%, HDG +3,3%, PDR +3,9%, KBC +3,8%, DPG +3,4%, DTD +4,6%, NVL +2,7%, NTL +3,8%, HDC +2,9%, SCR +3,4%...
DXG có thời điểm tím trần, cuối phiên hạ nhiệt về tỷ lệ +5,9%, lên mốc 14.300 đồng/cp. VPI của Văn Phú Invest tiếp tục tăng mạnh 4,5% lên đỉnh mới 70.000 đồng/cp. Trong hai phiên liền trước, đây cũng là mã hiếm hoi đi ngược sự tiêu cực của thị trường.
Nhóm chứng khoán cũng đa số kết phiên trong sắc xanh. Ở nhóm vốn hóa lớn, VIX tăng gần 4% về lại mức giá 14.500 đồng/cp. VND tăng gần 1%, HCM đứng tham chiếu, SSI giảm 2,8%, VCI giảm 2,6%. Ở nhóm vốn hóa nhỏ, HAC tăng mạnh nhất hơn 13%, tiếp đến là FTS +4,9%, BVS +4,5%, APG +2,8%, BSI +2,4%, DSC +2,4%, TVS +2,4%, VDS +2,4%...
Công nghệ viễn thông cũng hồi phục với CTR tăng trần, FPT và CMG tăng nhẹ, ELC tăng 4%, SGT tăng 3,5%, VTP +5,6%. VGI vẫn ở chiều giảm nhưng lực bán đã bớt áp lực hơn những phiên trước, giảm 1,5% về mốc 72.500 đồng/cp.
Nhóm ngân hàng phân hóa với chiều tăng là SSB +2,3%, EIB +2%, PGB +1,2%, TPB +1,1%, MSB +1%. ACB, BID, MBB, OCB, SHB, STB, VPB tăng nhẹ. Chiều giảm có VBB -2,9%, BVB -2,3%, VAB -2,1%, LPB -1,7%. CTG, TCB, VIB, KLB, NAB giảm nhẹ.
Tại nhóm vận tải kho bãi, HVN vẫn tiếp tục tiến trình “hạ cánh”. Cổ phiếu của Vietnam Airlines đã chấm dứt chuỗi giảm sàn 3 phiên liên tiếp sau khi được gom mạnh vào cuối phiên. Tuy vậy, đây vẫn là phiên giảm thứ 9 của cổ phiếu hàng không này. Với việc đóng cửa ở mốc 21.700 đồng/cp, thị giá HVN đã giảm 41% từ đỉnh gần nhất. Ngược lại, đa số các mã khác đều ở chiều tăng, như VJC +1,8%, GMD +1,7%, SCS +3,4%, STG +6,8%, PVT +1,4%...
Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai tiếp tục "nằm sàn"
Trong phiên hôm nay, cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai vẫn "nằm sàn" với dư bán hơn 6,1 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị gần 45 tỷ đồng. Song, việc không nhà đầu tư nào có nhu cầu gom cổ phiếu này khiến thanh khoản cả phiên của QCG chỉ đạt gần 500 triệu đồng.
Tính trong 10 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu QCG đã 9/10 phiên giảm điểm (gồm 5 phiên giảm sàn), giảm 40,3% thị giá. Đây là vùng giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua của mã cổ phiếu này.
Như vậy có thể thấy, kể từ phiên 19/7, sau khi Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố, bắt tạm giam trong cùng ngày để phục vụ điều tra hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, cổ phiếu QCG đã có nhiều phiên giảm liên tiếp và nằm sàn.
Mặc dù đã có thông tin về Tổng Giám đốc mới thay vị trí của bà Nguyễn Thị Như Loan từ hôm qua (23/7) nhưng diễn biến của cổ phiếu này vẫn chưa sáng hơn.
Diễn biến này cho thấy việc Quốc Cường Gia Lai bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Cường, con trai Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Như Loan, lên thay mẹ điều hành công ty chưa cải thiện tâm lý lo ngại của nhà đầu tư.
Trước đó, hôm 19/7, bà Loan bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.