Động thái tương đồng của Mỹ, EU sau vụ Belarus buộc máy bay đáp khẩn

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Belarus buộc máy bay của hãng hàng không Ryanair hạ cánh ở Minsk đã khiến các nước phương Tây giận dữ.

Chính quyền Belarus đã vấp phải chỉ trích dữ dội trong một sự vụ ngày 23/5. Theo đó, báo động bom giả buộc chuyến bay chở 170 người từ Hy Lạp đến Lithuania phải hạ cánh khẩn cấp xuống Minsk để bắt một nhân vật blogger đối lập.
 Hành động buộc máy bay của hãng Ryanair hạ cánh để bắt giữ blogger đối lập của Belarus bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. 
Hãng hàng không Ryanair (Ireland) cho biết, máy bay của họ khi bay qua không phận Belarus đã nhận được thông báo từ chính quyền địa phương rằng có nguy cơ an ninh và hướng dẫn máy bay đến sân bay gần nhất là ở Minsk. Belarus đã cử chiến đấu cơ Mig-29 hộ tống chiếc máy bay dân dụng đáp xuống.
Ngay khi máy bay hạ cánh, lực lượng an ninh của Belarus lập tức bắt giữ nhà hoạt động Roman Protasevich, 26 tuổi, là một hành khách trên chuyến bay. Ông này bị Belarus truy nã vì tổ chức các cuộc biểu tình vào giữa năm 2020 sau cuộc bầu cử tổng thống. Ông Alexander Lukashenko đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử mà phe đối lập cáo buộc có gian lận.
Theo đó, Belarus đang bị EU và Mỹ xem xét bị hủy tư cách thành viên Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), cũng như cấm các chuyến bay dân dụng qua lãnh thổ nước này.
Manfred Weber, lãnh đạo liên minh chính trị Đảng Nhân dân Châu Âu cho rằng, động thái của Belarus nhằm bắt giữ Roman Protasevich, là một hành động "khủng bố cấp nhà nước". Theo ông Weber, hành động của ông Lukashenko - người mà cả EU và Mỹ đều không công nhận là tổng thống hợp pháp của Belarus, đã gây nguy hiểm cho việc đi lại bằng đường hàng không dân dụng ở châu Âu bởi hành động “không thể chấp nhận được”.
Lãnh đạo Liên minh 90/Đảng Xanh (Đức), Annalena Baerbock, một ứng cử viên thủ tướng sáng giá, đã gọi sự cố của chuyến bay hãng hàng không Ryanair là "một vụ bắt cóc máy bay chở khách". Bà cũng cho rằng, EU cần có thêm các biện pháp trừng phạt mới, chống lại các công ty nhà nước của Belarus, vốn là chỗ dựa cho Lukashenko.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội 8 nước châu Âu, cũng như Thượng viện Mỹ, đã ra tuyên bố chung yêu cầu ngừng ngay lập tức tất cả các chuyến bay dân sự qua Belarus.
Họ cũng yêu cầu trả tự do cho Roman Protasevich và tất cả các tù nhân chính trị khác "ngay lập tức và vô điều kiện". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington lên án mạnh mẽ việc buộc máy bay hạ cánh và bắt giữ Protasevich.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần