Đồng Tháp: Chuẩn bị khởi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 27,4 km. Điểm đầu: Giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối Giao với tuyến cao tốc Trung ương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Ngày 23/6, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngày 25/6, tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức khởi công dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 16km đi qua huyện Cao Lãnh.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 dài 16km chuẩn bị được khởi công. Ảnh dongthap.gov.vn
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 dài 16km chuẩn bị được khởi công. Ảnh dongthap.gov.vn

Dự cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, chia làm 2 thành phần. Trong đó: Dự án thành phần 1: có chiều dài 16km, từ Km 0 đến Km16+000 nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2, từ Km16+000 đến Km27+430, dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.800 tỷ đồng.

Dự án thành phần 1 có 533 hộ nằm trong vùng dự án với diện tích đất thu hồi trên 101ha. Đến nay, có 513/533 hộ ở 8 xã của huyện Cao Lãnh đã đến đến nhận tiền bồi thường và giao đất cho dự án, đạt tỷ lệ trên 96%. Ngay sau khi nhận tiền, các hộ đã khẩn trương di dời nhà ở, cây trồng và các kiến trúc khác cũng như là bắt tay làm sinh kế mới để ổn định cuộc sống.

Hiện tại, trên 94ha diện tích mặt bằng đã được bàn giao cho dự án, đạt tỷ lệ 93%. Cùng với đó, 14 gói thầu về tư vấn, bảo hiểm, rà phá bom mìn và xây lắp đã hoàn thành.

Chi sẻ với phóng viên, ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự án cao tốc Cao Lãnh- An Hữu được đầu tư công từ nguồn phục hồi phát triển kinh tế xã hội và vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được khởi công, hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc cao tốc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang trục ngang quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long; tạo không gian phát triển vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần đảm bảo quốc phòng – an ninh, xóa đói giảm nghèo; từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.