Đồng Tháp: Hoa, kiểng Sa Đéc - ngành hàng chủ lực của ngành nông nghiệp

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Với diện tích trồng hoa, kiểng hơn 3.000ha, hơn 2.000 giống cung ứng hơn 12 triệu sản phẩm hàng năm, ngành hàng hoa, kiểng Sa Đéc đã hiện diện ở hầu khắp các tỉnh, thành Việt Nam và đã bắt đầu hành trình vươn xa ra thị trường quốc tế.

Nâng cao giá trị xuất khẩu

Đồng Tháp là địa phương có vùng trồng hoa truyền thống hơn 100 năm tuổi, lớn nhất miền Tây Nam bộ Việt Nam, với diện tích trồng hoa kiểng đạt gần 3.000ha,  trên 2.000 chủng loại và 12 triệu sản phẩm mỗi năm, phân bố tại TP Sa Đéc và các huyện Lai Vung, Lấp Vò, TP Cao Lãnh.

Người dân chăm sóc hoa chuẩn bị cho Festival Hoa - Kiểng lần thứ I. Ảnh: Hữu Tuấn
Người dân chăm sóc hoa chuẩn bị cho Festival Hoa - Kiểng lần thứ I. Ảnh: Hữu Tuấn

Trong những năm trở lại đây, hoa, kiểng Sa Đéc không chỉ là thương hiệu của một ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp với giá trị hơn 6.000 tỷ đồng, mà đã trở thành những tên gọi có tính biểu tượng cao, khẳng định giá trị, truyền thống, chất lượng, nét đặc sắc riêng có của vùng đất.

Bà Mai Hồng – Điều phối viên Việt Nam, Hiệp hội Hợp tác Kinh doanh Nông nghiệp Hà Lan – Việt Nam (NVHBP) cho biết: Từ năm 2022, NVHBP đã có những hợp tác bước đầu với tỉnh Đồng Tháp về việc phát triển hoa, kiểng của tỉnh. Đặc biệt, tháng 8/2023, NVHBP và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp đã ký Biên bản Ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, chuyển giao và thương mại các giống hoa - kiểng mới, phục vụ phát triển Ngành hàng hoa - kiểng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025.

Dự kiến năm 2025, giá trị sản xuất ngành hàng này dự kiến đạt 7.000 tỷ đồng. Ảnh: Hữu Tuấn
Dự kiến năm 2025, giá trị sản xuất ngành hàng này dự kiến đạt 7.000 tỷ đồng. Ảnh: Hữu Tuấn

Theo kế hoạch phát triển ngành hàng hoa, kiểng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành hàng này dự kiến đạt 7.000 tỷ đồng. Diện tích trồng hoa kiểng toàn tỉnh đạt trên 3.500 ha, chủ yếu tập trung TP Sa Đéc đạt trên 1.100 ha; huyện Lai Vung đạt trên 1.500 ha, huyện Lấp Vò đạt trên 450 ha, TP Cao Lãnh 50 ha.

Thực hiện khảo nghiệm, chọn lọc và chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu từ 2 - 3 giống hoa, kiểng mới phù hợp điều kiện tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thực hiện chỉ dẫn địa lý cho một sản phẩm hoa, kiểng đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp.

Tuy nhiên, ngành hàng hoa, kiểng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong chuỗi giá trị ngành hàng như: thiếu vùng sản xuất tập trung quy mô lớn hướng đến tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu; công tác giống và quy trình canh tác còn nhiều hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu về giống chất lượng của ngành hoa kiểng, chưa làm chủ công nghệ nghiên cứu, lai tạo ra nhiều giống hoa mới phù hợp đặc điểm tự nhiên và mang nét đặc sắc địa phương. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác nghiên cứu phát triển về giống, quy trình thương mại hóa mang tính cạnh tranh còn hạn chế.

Chưa thu hút nhiều đầu tư vào quá trình nghiên cứu khoa học và phát triển ngành hàng hoa, kiểng. Công tác thông tin thị trường, chuỗi liên kết giá trị hoa, kiểng còn nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Sản phẩm hoa, kiểng tiêu thụ chủ yếu nội địa, nông dân tự xuất bán thành phẩm thông qua thương lái địa phương. Việc đầu tư hạ tầng nông  nghiệp, du lịch và cơ chế chính sách còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Định hướng phát triển ngành hàng chủ lực

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết Tỉnh đang tập trung vào các giải pháp cụ thể để phát triển ngành hàng hoa, kiểng như: Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; Nghiên cứu phát triển nhiều giống hoa, kiểng mới, lạ; Chuyển giao kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến; Thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ; Phát triển kinh tế tập thể; Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; Truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm hoa kiểng; Xúc tiến thương mại; Phát triển nguồn nhân lực….

Nhân lực phát triển ngành hoa kiểng rất quan trọng. Ảnh: CTV
Nhân lực phát triển ngành hoa kiểng rất quan trọng. Ảnh: CTV

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo Cục bảo vệ thực vật cho hay, cần đẩy mạnh chọn tạo giống, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chọn tạo giống cây kiểng. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, chọn tạo các giống cây kiểng có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nâng cao trình độ sản xuất. Khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa, cây kiểng. Mở rộng thị trường tiêu thụ.

Khu trưng bày hoa, kiểng phục vụ Festival. Ảnh: CTV
Khu trưng bày hoa, kiểng phục vụ Festival. Ảnh: CTV

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, nhân lực phát triển ngành hàng hoa, kiểng rất quan trọng. Tuy nhiên, cần có sự hợp tác điều phối lẫn nhau giữa các bộ, ngành liên quan. Đào tạo nhân lực ngành hoa, kiểng cần quan tâm đến đặc thù về đào tạo nghề.

Đồng thời, tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện giáo dục nghề nghiệp trong các khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức đào tạo và tuyển dụng lao động; xây dựng nội dung chương trình học cần có sự bắt nhịp với những thay đổi trong thực tiễn; đào tạo phải đi đôi với ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, tìm đầu ra cho sản phẩm hoa kiểng công nghệ cao.