Dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán: Hệ thống buộc “rút phích” chủ động

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá trị giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống buộc HOSE phải công bố ngừng giao dịch ngày 1/6. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, HOSE phải chủ động tạm ngừng giao dịch để bảo vệ an toàn hệ thống.

Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Việt Linh
Báo động an toàn hệ thống
Đầu giờ chiều ngày 1/6/2021, HOSEđã có công văn thông báo trong phiên giao dịch sáng cùng ngày, giá trị giao dịch chứng khoán tại HOSE vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Được sự chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), HOSE công bố ngừng giao dịch ngày 1/6/2021. Giá đóng cửa của chứng khoán ngày 1/6/2021 là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng. HOSE đề nghị các công ty chứng khoán thành viên thông báo để nhà đầu tư được biết đến khi có thông báo tiếp theo.

Những phiên gần đây, lượng lệnh và thanh khoản của thị trường tăng rất mạnh. Chỉ trong tháng 5, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HOSE đã đạt mức khoảng 22,1 nghìn tỷ đồng/phiên. Đây là con số rất lớn trên HOSE kể từ ngày thành lập và mang tính đột biến khi so sánh với thời gian gần đây, cụ thể như: Tháng 12/2020 - giá trị giao dịch bình quân phiên là 12,7 nghìn tỷ đồng/phiên; từ tháng 1-4/2021 con số này là 16,6 nghìn tỷ đồng/phiên. “Đặc biệt trong phiên sáng 1/6, giá trị giao dịch trên HOSE đã vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Đây là con số kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay” - Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà cho biết.

Theo một số chuyên gia, nếu xét ở bình diện bức tranh chứng khoán khu vực và thế giới, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hẳn là quá đắt đỏ khi định giá cổ phiếu (P/E) trung bình trên HOSE mới đạt 16,78x trong khi tại các thị trường phát triển như Mỹ là 25x. Thế nhưng, cứ khi thị trường giao dịch sôi động là “chợ lớn chứng khóa” HOSE rơi vào trạng thái nghẽn lệnh. Trong hơn 6 phiên liên tục, thị trường lập đỉnh vừa qua, HOSE lại tái diễn tình trạng “đơ” liên tục khiến nhà đầu tư vò dầu bứt tóc, muốn mua không được, bán không xong.

Hệ thống giao dịch mới triển khai đến đâu?

Theo Tổng Giám đốc HoSE Lê Hải Trà, hiện, HOSE và FPT đã cùng phối hợp, triển khai tích cực việc xây dựng hệ thống giao dịch dự phòng cho hệ thống hiện tại và dự phòng cho cả hệ thống KRX sau này. Các bước đang vào những khâu cuối cùng. Vừa qua, HOSE và FPT đã phối hợp cùng các thành viên thị trường “test” chức năng cho hệ thống giao dịch này. Quá trình test này diễn ra khá trôi chảy. Hiện tại, các bộ phận đang hoàn thiện để sớm tổ chức “test” thực tế với các công ty chứng khoán. “Đối với hệ thống công nghệ chưa thể khẳng định trước điều gì, nhưng với tiến độ này và không có rủi ro quá lớn xảy ra, thì phía FPT có thể bàn giao hệ thống cho HOSE vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới. Sau đó, HOSE sẽ có báo cáo các cấp có thẩm quyền để sớm đưa hệ thống này vào vận hành”- ông Trà nhấn mạnh.

Hệ thống mà HOSE và FPT đang xây dựng kỳ vọng sẽ giải quyết được dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh hiện nay, vì hệ thống được thiết kế với năng lực nhận lệnh nhiều hơn hiện nay rất nhiều. HOSE và các đơn vị liên quan đang đặt quyết tâm cao nhất để sớm đưa hệ thống nay vào vận hành, đáp ứng yêu cầu đầu tư chính đang của nhà đầu tư trên thị trường.

Còn đối với hệ thống KRX, đại diện HoSE cho biết, mọi công việc đang tiến hành đúng theo lộ trình. Tuy nhiên, việc dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4 cũng tạo thêm áp lực cho các đơn vị, đặc biệt là việc đưa các chuyên gia Hàn Quốc vào làm việc. “Chúng tôi luôn xem đây là việc cấp bách và ưu tiên triển khai để sớm nhất có hệ thống mới cho toàn thị trường chứng khoán Việt Nam”- đại diện HoSE nói.
Đây là biện pháp ngoài mong muốn, vì vậy, chúng tôi mong muốn nhận được sự cảm thông, bình tĩnh của các DN và nhà đầu tư trên thị trường.

Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà
Bài viết trên kênh CNBC ngày 1/6 cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tháng giao dịch khởi sắc nhất tại châu Á - Thái Bình Dương, mặc dù đang phải chứng kiến đợt tái bùng phát dịch Covid-19 trong những tuần gần đây. Trong khi đó, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) lại giảm mạnh trong tháng 5 vừa qua khi giới chức vùng lãnh thổ này đã siết chặt các biện pháp hạn chế để ngăn dịch Covid-19 lây lan. (Nguyễn Phương)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần