Đồng trách nhiệm

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày qua, liên tiếp có thêm các vụ việc nhà báo bị truy sát khi đang tác nghiệp, bị côn đồ tấn công đến mức phải nhập viện.

Một lần nữa, sự nguy hiểm trong hoạt động nghề báo lại được đặt ra và đòi hỏi có thêm những cơ chế cụ thể để các cấp chính quyền, các cấp Hội bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của người làm báo chân chính.
Nhìn lại thời gian vừa qua có thể thấy, dù tác nghiệp đúng quy định pháp luật nhưng không ít nhà báo đã và đang gặp phải nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về các vụ việc liên quan chống tiêu cực. Không chỉ người dân gây cản trở mà ngay cả ngành chức năng cũng gây khó khăn cho phóng viên. Thậm chí nhiều nhà báo còn bị uy hiếp tính mạng, bị khủng bố tinh thần, thậm chí người thân cũng bị đe dọa. Ðáng lo ngại là tình trạng này lại có xu hướng tăng cả về mức độ lẫn tần suất. Theo thống kê sơ bộ của Hội Nhà báo Việt Nam, chỉ tính riêng trong năm 2018 đã có gần chục vụ việc cản trở, gây khó khăn, truy sát, hành hung nhà báo, hội viên.

Trước những vụ việc đó, Hội Nhà báo Việt Nam đều đã có tiếng nói thúc đẩy các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc để cùng xử lý, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của người làm báo và trong nhiều trường hợp, quyền lợi của người làm báo đã được bảo vệ, tạo ra dư luận để ủng hộ và chia sẻ với các hoạt động chính đáng của nhà báo. Nhiều cơ quan liên quan cũng vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, bảo vệ hiệu quả hơn cho nhà báo. Hệ thống pháp luật, các cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người làm báo đã được ban hành khá nhiều, trong đó Luật Báo chí sửa đổi cũng đã quy định rất rõ về các hành vi bị nghiêm cấm như: "Ðe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật". Và để tránh làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của đội ngũ những người làm báo chân chính, không chỉ chú trọng bảo vệ nhà báo một chiều, Cục Báo chí (Bộ TT&TT) đã công bố thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin tổ chức, cá nhân phản ánh hiện tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí (thậm chí giả mạo nhà báo) để sách nhiễu DN, tổ chức, cá nhân nhằm trục lợi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên, để thực sự bảo vệ những nhà báo chân chính, vẫn rất cần thêm một hệ thống pháp luật, cơ chế phối hợp đủ mạnh, hiệu quả hơn, cụ thể hơn, hiệu lực hơn, cũng như sự hợp tác của toàn xã hội để giúp báo chí phát huy hiệu quả xã hội trong việc đưa tin tức kịp thời, phản ánh chân thực mọi vấn đề của cuộc sống, đồng thời giúp người làm báo thật sự yên tâm khi tác nghiệp.

Ðồng thời, nhiều ý kiến cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc bảo vệ nhà báo tác nghiệp trong khuôn khổ pháp luật. Về phần mình, các nhà báo cần phát huy tính tích cực nghề nghiệp, đề cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo, tạo ra sự tôn trọng thực sự của xã hội đối với người làm báo. Bởi như nhiều ý kiến nhận định, “tự bảo vệ” mình thông qua việc “rèn đạo đức” cũng không kém phần quan trọng so với sự bảo vệ của cộng đồng và xã hội. Những nhà báo chân chính không làm trái với những chuẩn mực về đạo đức nói chung, coi việc thực thi tốt 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu thường xuyên, và khi các chuẩn mực đạo đức ấy trở thành “cơ chế” tự thân, đó cũng chính là cách để nhà báo đồng trách nhiệm tự bảo vệ mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần