Ông Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia) đã có những chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến tình hình thiên tai với báo chí vào chiều 17/10.
Xin ông cho biết nhận định về tình hình mưa lũ tại miền Trung giai đoạn này?
- Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, mưa lớn dồn dập với cường độ và tổng lượng mưa lớn đã xảy ra tập trung tại nhiều tỉnh, TP khu vực miền Trung trong các ngày từ 12-14/10. Hiện nay vùng mưa đang thu hẹp lại trên khu vực Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, với lượng mưa phổ biến trong ngày khoảng 50-100mm.
Từ đêm nay, vùng mưa có xu hướng mở rộng ra các tỉnh phía Bắc, với tâm mưa trong đêm nay và sáng mai sẽ là các tỉnh Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, sau đó là Quảng Bình đến Hà Tỉnh, và tiếp đến là ven biển Nghệ An-Thanh Hoá và khu vực các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Đợt mưa này còn có khả năng kéo dài đến ngày 19/10.
Nguyên nhân của đợt mưa lũ kéo dài đang diễn ra ở miền Trung là do đâu, thưa ông?
- Đợt mưa kéo dài từ ngày 10/10 đến nay có nguyên nhân chính là do hoạt động của khối không khí lạnh ở phía Bắc liên tục được tăng cường kết hợp thêm với hoạt động của các nhiễu động trong đới gió Đông trên cao.
Sáng nay, một vùng áp thấp trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Trung Bộ đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo áp thấp nhiệt đới này đang có hướng di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh lên thành bão.
Ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão sẽ tiếp tục gây mưa lớn cho các tỉnh miền Trung và có xu hướng mỏ rộng ra phía Bắc.
Trong bối cảnh mưa lũ diễn biến phức tạp như hiện nay, các địa phương và người dân miền Trung cần chú ý điều gì, thưa ông?
- Từ nay đến ngày 19/10, trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 2-6m, hạ lưu từ 1-3m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ các sông ở Quảng Trị dao động ở mức báo động (BĐ) 1 và trên BĐ1; các sông khác từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi ở mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương và người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi; mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Ông có thể nhận định thêm về diễn biến thời tiết, thiên tai từ nay đến cuối năm 2023?
- Từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 cơn bão/ áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Ngoài ra, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục tác động đến thời tiết các tỉnh Trung Bộ. Do vậy, ở khu vực này sẽ còn nhiều ngày mưa rào và dông, có ngày xuất hiện mưa vừa, mưa to đến rất to.
Chính quyền và người dân các địa phương cũng cần đề phòng những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa, từ nửa cuối tháng 10 và tháng 11/2023.
Xin cảm ơn ông!