Dự báo đêm nay và ngày mai (10/12), do ảnh hưởng của không khí lạnh suy yếu nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau, phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, đêm có lúc cấp 7, giật cấp 8; sóng biển cao 2 - 4m; biển động. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy.
Ghi nhận thực tế trong những ngày qua, nền nhiệt giảm sâu khiến sương muối và băng giá xuất hiện tại các tỉnh: Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Nghệ An...
Nhận định về diễn biến thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết thêm, giai đoạn chính đông ở nước ta là khoảng thời gian từ tháng 12 đến khoảng tháng 2 hàng năm. Theo dự báo năm nay, trong giai đoạn này nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5 - 1,5 độ C. Riêng tháng 12/2019, khu vực Bắc Bộ và Bắc và Trung Trung Bộ ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Như vậy, năm nay khả năng sẽ tiếp tục là một mùa đông ấm hơn so với trung bình hàng năm.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đánh giá, sau đợt không khí lạnh ngày 4 và 5/12, những ngày tiếp theo, áp cao lạnh lục địa sẽ có cường độ ổn định và suy yếu chậm.
Khoảng 12 - 13/12 sẽ lại có không khí lạnh bổ sung và đến nửa cuối tháng 12 sẽ có thêm những đợt không khí lạnh khác di chuyển xuống nước ta gây ra trời rét ở vùng đồng bằng trong nửa cuối tháng 12.
Sang tháng 1/2020 (trước Tết Nguyên đán), không khí lạnh sẽ hoạt động mạnh trở lại, ở Bắc Bộ khả năng sẽ xuất hiện rét đậm, rét hại, vùng núi cao nguy cơ xảy ra băng giá.
Ông Nguyễn Đức Hòa cũng thông tin thêm, hiện tượng băng giá, sương muối hầu như năm nào cũng xuất hiện vào mùa đông ở các khu vực vùng núi cao phía Bắc, còn mưa tuyết thì không phải năm nào cũng có. Trung bình cứ khoảng 2 - 4 năm hoặc có thể lâu hơn mới xảy ra mưa tuyết ở các khu vực vùng núi phía Bắc.