Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đốt than củi trong phòng: Hiểm họa khôn lường

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Miền Bắc chuyển rét đậm, nhiều người dân có thói quen sưởi ấm trong nhà cách đốt than, củi. Tuy nhiên, thói quen này tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều tai nạn thương tâm

Cứ đến mùa lạnh, tai nạn do đốt than sưởi ấm, đốt củi lại xảy ra, đặc biệt vào những ngày rét đậm như hiện nay. Mới đây, trên địa bàn xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đã xảy ra vụ ngạt khí làm 2 người chết, 2 người phải nhập viện cấp cứu do đốt than tổ ong để sưởi ấm. Theo đó, tối 3/2 (tức Mùng 3 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), gia đình bà T.T.C. (66 tuổi, trú tại xã Quảng Nham) đốt than tổ ong sưởi ấm. Chậu than được đặt trong phòng ngủ, đóng kín cửa.

Sáng hôm sau, người thân không thấy mẹ con bà C. ra khỏi phòng nên vào kiểm tra. Lúc này, 4 người nằm bất tỉnh gồm bà C., con gái D.T.L. (40 tuổi), cháu Đ.D.A. (12 tuổi) và cháu Đ.V.T. (9 tuổi, cùng là con bà L.). 4 người được đưa ra khỏi phòng nhưng bà C. và cháu T. đã tử vong. 2 người còn lại được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu.

Thông tin từ Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Sĩ cho biết, hai bệnh nhân bị ngộ độc khí than may mắn qua cơn nguy kịch. Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tập trung cấp cứu, hỗ trợ hô hấp, thở ô-xy qua mask túi, điều trị chống bội nhiễm phổi kết hợp trấn an tâm lý, bảo đảm chế độ dinh dưỡng, chăm sóc tích cực. Hai mẹ con dần bình phục sức khỏe, các chỉ số ổn định, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Trước đó, hồi đầu tháng 1/2021, tại xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, cũng xảy ra vụ việc tương tự. Cụ thể, chiều 10/1/2021, em T.H.P. (15 tuổi) rủ em họ là Đ.T.T.H. (13 tuổi) đến nhà học bài và ngủ lại. Thấy trời giá rét, cả hai đốt than củi sưởi ấm trong phòng ngủ. Sáng 11/1/2021, người thân vào phòng thì phát hiện 2 em ngất lịm trên giường. Các nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng P. không qua khỏi. Nạn nhân còn lại đã được chuyến lên tuyến trên điều trị trong tình trạng nguy kịch.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay, với những loại than tổ ong, than củi khi cháy trong điều kiện thiếu không khí, không thông gió, sẽ tạo ra loại khí cực độc là cacbon monoxide (hay còn gọi là CO). Trong cơ thể con người, CO có khả năng gắn với protein trong máu (Hb) cao gấp 200 - 250 lần so với khí oxy, tạo thành hợp chất bền vững HbCO (Cacboxy Hemoglobin). HbCO làm giảm lượng oxy trong máu đến các bộ phận như tim, não…

Ngoài ra, một phần nhỏ CO hòa tan vào huyết tương, gắn với Myoglobin làm giảm sức co bóp cơ tim. Nguy hiểm hơn, tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc, nạn nhân bị ngộ độc CO có thể bị tổn thương não vĩnh viễn, tổn thương tim, rối loạn nhịp tim, ngừng tim hoặc hôn mê, tử vong.

Tuyệt đối không sưởi ấm bằng than củi

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian qua, Trung tâm Chống độc thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc khí CO. Hầu hết bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nặng. Hiện tượng ngộ độc này xảy ra chủ yếu do người dân đốt các nhiên liệu ở trong phòng kín bằng các cách khác nhau. Ví dụ, dùng bếp than tổ ong, than củi, than hoa... để sưởi ấm, đun nấu trong phòng kín.

Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, khi hít phải khí CO, nạn nhân nhanh chóng bị giảm oxy trong máu, gây đau đầu, chóng mặt, đau ngực, di chứng thần kinh hoặc có thể bị tâm thần. Thậm chí hít phải lượng lớn khí CO nạn nhân có thể bất tỉnh và tử vong nhanh, đặc biệt là với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người già mắc các bệnh về tim, phổi mãn tính. Ngoài ra, quá trình nhiễm độc khí than diễn ra rất nhanh, khi nạn nhân bắt đầu cảm thấy những bất thường thì chân tay không thể cử động được, hôn mê và tử vong.

Việc cứu chữa những nạn nhân bị ngộ độc khí than rất khó khăn. Bởi khi sự cố xảy ra, nếu bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời, thì não lâm tình trạng thiếu oxy kéo dài. Trong trường hợp này, dù có cứu được, bệnh nhân phải sống thực vật, giảm trí nhớ hoặc đi đứng khó khăn, thậm chí liệt nửa người…

“Vì vậy, trong những ngày lạnh, khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm, người dân cần chú ý để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp quá lạnh, bắt buộc phải dùng than củi để sưởi ấm thì nhà phải có không khí lưu thông hoặc phải mở cửa để thông gió tránh bị ngạt. Tuyệt đối không được sưởi than củi và đóng kín cửa trong nhà hoặc ngay cả lúc sưởi ấm để tắm cũng rất nguy hiểm.

Để xử trí ngộ độc khí CO, khi phát hiện nơi nạn nhân bị ngộ độc cần khẩn trương làm thông thoáng không khí bằng cách mở rộng cửa, trước khi đi vào vùng nhiễm độc cần mang mặt nạ phòng độc hoặc khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm để đề phòng khả năng nổ của không khí giàu khí CO” - TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Theo các chuyên gia, người dân cũng nên tự trang bị những kiến thức, kỹ năng và hiểu biết trong việc phòng chống rét, tăng cường chăm sóc sức khỏe và giữ ấm trong điều kiện thời tiết rét lạnh kéo dài trong thời gian tới.