Chủ động thực hiện
Hiện đang có ý kiến đánh đồng đối tượng được mua trực tiếp, thay vì là nhóm khách hàng lớn, hộ tiêu dùng lớn (doanh nghiệp) lại thành là người dân, các hộ gia đình nhỏ. Đồng thời, đã hiểu sai khi cho rằng, mua điện trực tiếp nghĩa là không còn qua EVN nữa, Tập đoàn cho biết: Theo Dự thảo thông tư quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo được Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực đang lấy ý kiến, khách hàng tham gia gia thí điểm mua bán điện trực tiếp là các tổ chức, cá nhân mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp tại cấp điện áp từ 22kV trở lên. Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng trực tiếp đàm phán và ký hợp đồng kỳ hạn (dạng CfD) với giá và sản lượng điện do 2 bên thỏa thuận.
Mấu chốt vẫn là phát triển nguồn điện theo quy định, hình thành giá điện thị trường cạnh tranh thực sự quyết định bởi cung cầu. Người bán phải có người mua, không phải bán buôn mà là mua bán lẻ trên thị trường. Có thể tách A0 ra khỏi EVN, hoạt động độc lập, giống như hiệp hội có các nhà sản xuất, nhà tiêu dùng đứng ra vận hành. Chuyên gia năng lượng Nguyễn Thanh Sơn |
Dự thảo thông tư cũng nêu rõ, việc mua điện trực tiếp có nghĩa là khách hàng không mua điện từ EVN theo biểu giá do Chính phủ quy định, mà vẫn qua EVN thông qua cơ chế DPPA. Đại diện EVN cho rằng, theo cơ chế DPPA của Bộ Công Thương, khách hàng được lựa chọn, hoặc mua điện từ EVN thông qua biểu giá bán lẻ do Chính phủ phê duyệt, hoặc mua trực tiếp qua thị trường điện và đơn vị phát điện năng lượng tái tạo thông qua cơ chế DPPA, đây là bước phát triển đầu tiên đưa điện cạnh tranh vào khâu bán lẻ.
Cạnh tranh có tác động thúc đẩy giảm giá điện về chi phí, khi loại không tồn tại hành vi lũng đoạn thị trường, trường hợp này chỉ có thể đạt được khi cung vượt cầu tại mọi thời điểm. Ngược lại, khi nguồn cung khan hiếm như khủng hoảng năng lượng California (2001) hoặc Texas (2020), giá điện tăng rất cao và cao hơn nhiều mức giá nếu được Chính phủ điều tiết như trường hợp tại Việt Nam.
Để thực hiện lộ trình này, từ năm 2018, EVN đã cử cán bộ tham gia nhóm nghiên cứu cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện do Cục Điều tiết điện lực chủ trì và đã có nhiều văn bản góp ý để hoàn thiện cơ chế này. EVN đã chủ động xây dựng Đề án Thị trường điện bán lẻ cạnh tranh trình Bộ Công Thương tại văn bản số 381/EVN-HĐTV ngày 17/9/2019 trước khi Bộ Công Thương phê duyệt Thiết kế Thị trường điện bán lẻ tại Quyết định 2093/QĐ-BCT ngày 7/8/2020 và hiện nay EVN đang thực hiện các công việc triển khai theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Có lộ trình thí điểm
Trước đó, tại nghị trường Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đơn cử như các vấn đề trong lĩnh vực điện năng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thị trường phát điện cạnh tranh được ngành triển khai từ khá sớm, nhờ vậy đến nay có gần 70% nguồn điện do tư nhân, hoặc công ty cổ phần sản xuất.
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã được vận hành từ đầu năm 2019, đến nay EVN không còn là đơn vị duy nhất mua bán điện mà có thêm 5 tổng công ty điện lực trực tiếp tham gia mua bán điện trên thị trường. Bộ đang tích cực phối hợp các cơ quan hữu quan xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện, hạch toán độc lập trong EVN theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Bộ đang khẩn trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Trong đó việc triển khai DPPA chính là bước đầu tiên trong thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ở nước ta” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói. Hiện Bộ đã trình Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện cơ chế này từ nay đến năm 2025. Đồng thời, đã trình Chính phủ và Quốc hội cho sửa 1 điều của Luật Điện lực để tư nhân có thể được đầu tư vào phân khúc truyền tải điện; Trình Chính phủ cơ chế điều hành thực hiện các dự án điện, nhằm siết lại kỷ cương trong tổ chức thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển điện ở nước ta; Trình Chính phủ cho phép triển khai Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025… Sau khi được chấp thuận, Bộ sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc…
Thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo xây dựng Quy hoạch điện VIII... Đặc biệt, chú trọng xây dựng thị trường phát điện và thị trường bán điện cạnh tranh. |