Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐT Việt Nam trở thành cựu vương AFF Cup: Thay đổi để hướng về hành trình xa hơn

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau 2 lượt trận bán kết, ĐT Việt Nam chính thức trở thành cựu vương AFF Cup. Đặc biệt, sau khi để thua ĐT Thái Lan ở vòng bán kết cho thấy vị thế của bóng đá Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, điều này đồng nghĩa việc thay đổi là điều cấp thiết trước khi mơ về hành trình xa hơn ở châu lục.

Thiếu nhân tố mới

Sau những trận thua tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, ĐT Việt Nam bước vào chiến dịch bảo vệ chức vô địch tại AFF Cup 2020. Việc đối đầu với các đội bóng hàng đầu châu lục cho thấy sự quá sức đối với thầy trò HLV Park Hang-seo. Vì thế giá trị của AFF Cup sẽ giúp ĐT Việt Nam lấy lại tự tin cũng như vị thế hàng đầu tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, những tính toán có phần không hợp lý đã khiến ĐT Việt Nam trở thành cựu vương AFF Cup.
ĐT Việt Nam không có sự bổ sung của nhiều nhân tố mới để tạo nên bất ngờ cũng như cải thiện lối chơi trong thời gian vừa qua. Ảnh: Getty.

Tại AFF Cup 2020, ĐT Việt Nam đã phải thi đấu 6 trận trong 20 ngày, một lịch trình thi đấu đầy khắc nghiệt. Bên cạnh đó, việc không đủ chất dinh dưỡng đã ảnh hưởng lớn đến thể lực của ĐT Việt Nam. Dẫu biết rằng đó là khó khăn chung của các đội tham dự giải cần khắc phục nhưng sự xoay tua cho các sân sút của ĐT Việt Nam là hạn chế so với các đối thủ rất nhiều. Bước vào giải đấu, hàng loạt trụ cột được HLV Park Hang-seo tin dùng không thể góp mặt do chấn thương: Hùng Dũng, Văn Hậu, Văn Lâm, Trọng Hoàng… thậm chí những cái tên quen thuộc vẫn góp mặt nhưng không có được thể trạng tốt nhất như: Tiến Dũng, Đình Trọng, Tuấn Anh… Việc thiếu vắng này đã cho thấy những hạn chế của ĐT Việt Nam về mặt con người. Đặc biệt, những cái tên trên hàng công như Tiến Linh, Đức Chinh, Công Phượng, Văn Toàn chưa thể thay thế được Anh Đức – cầu thủ thi đấu ấn tượng và góp công không nhỏ vào chức vô địch tại AFF Cup 2018.

Thực tế, trong số 29 cầu thủ mang sang Singapore, HLV Park Hang-seo chỉ sử dụng những cái tên quen thuộc từ năm 2018 – thời điểm bóng đá Việt Nam bắt đầu khởi sắc khi ông cầm quân. Những cầu thủ trẻ như Bùi Hoàng Việt Anh, Văn Đạt, Thanh Thịnh, Lý Công Hoàng Anh đều không được sử dụng. Điều này cho thấy bóng đá Việt Nam đang thiếu những nhân tố mới, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai lối chơi và dễ bị đối thủ bắt bài. Ngoài ra, việc các trụ cột như Quang Hải, Hoàng Đức, Quế Ngọc Hải phải căng mình ở tất cả các trận đấu đã không có được thể lực tốt nhất cho 2 trận đấu quyết định thành bại với ĐT Thái Lan.
“Giờ chúng tôi đã thất bại. Nhưng về đội hình, con người thì đó là sự lựa chọn tốt nhất rồi. Thua rất tiếc nhưng ở trận lượt đi có vấn đề. Chúng tôi thừa nhận thất bại, nhưng chúng tôi đã nỗ lực hết sức rồi" – HLV Park Hang-seo chia sẻ sau trận đấu với ĐT Thái Lan.
Cần làm mới mọi mặt ở ĐT Việt Nam

Nhìn lại hành trình tại AFF Cup 2020, ĐT Việt Nam đã có sự khởi đầu như mơ khi đánh bại ĐT Lào, ĐT Malaysia, nhưng khó khăn bắt đầu đến từ trận đấu với ĐT Indonesia. Không thể đánh bại ĐT Indonesia khiến ĐT Việt Nam mất đi cơ hội có được vị trí nhất bảng và trận đấu với ĐT Campuchia cho thấy sự toan tính sai lầm của thầy Park.
HLV Park Hang-seo cần có sự thay đổi trong lối chơi của ĐT Việt Nam để hướng tới mục tiêu phía trước. Ảnh: Getty.

Chắc chắn, ĐT Việt Nam cần phải có sự thay đổi sau “cú ngã” tại AFF Cup 2020. Đầu tiên đó là khả năng dứt điểm của hàng công, 3/6 trận đấu ĐT Việt Nam không thể ghi bàn, trong đó có 2 trận đấu quan trọng với ĐT Thái Lan. Thậm chí, về mặt lối chơi chúng ta chưa có sự thay đổi khi vẫn phụ thuộc vào Quang Hải và Hoàng Đức ở tuyến giữa (thời điểm này vắng Hùng Dũng). Các đối thủ chắc chắn hiểu được sự nguy hiểm của 2 cầu thủ này. Bắt chặt là điều hiển nhiên của đối thủ, nên những tình huống chọc khe trực diện vào thẳng trung lộ đối thủ không được thực hiện nhiều và kém hiệu quả. Tấn công biên chưa hiệu quả, 2 cánh với những cái tên quen thuộc: Hồng Duy, Văn Thanh, Tấn Tài… chỉ có thể tung ra các đường chuyền để giải toả áp lực, khi đối thủ có trung vệ với chiều cao đều hoá giải dễ dàng.

Ở một giải đấu có nhiều yếu tố bất ngờ, để bị loại là điều rất bình thường. Điều quan trọng lúc này ĐT Việt Nam cần phải có sự thay đổi để hướng tới những mục tiêu trong lớn hơn. Dù phải dừng chân ở bán kết nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực của ĐT Việt Nam như Quang Hải vẫn thể hiện sự xuất sắc, điểm sáng Hoàng Đức và nhân tố mới Tấn Tài sẽ giúp HLV Park Hang-seo thêm phương án ở năm tới. Trước mắt, ĐT Việt Nam sẽ trở lại với các trận đấu tại vòng loại World Cup 2022 ngay cuối tháng 1/2022. Xa hơn là kế hoạch dài hơi cho AFF Cup 2022 cũng như sự chuẩn bị cho các cầu thủ trẻ tại SEA Games 31 mà Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai vào tháng 5: “Tôi không thể đánh giá ĐT Việt Nam là đội bóng mạnh nhất ở Đông Nam Á. Nhưng chúng tôi đủ tự tin để đối đầu với bất cứ đội nào" – HLV Park Hang-seo tự tin.
"Nếu ĐT Việt Nam có phong độ tốt thì cũng không sợ ĐT Thái Lan. Hai trận vừa rồi đội chúng ta đã sai lầm trong lối đá. Đồng thời AFF Cup năm nay lực lượng của ĐT Việt Nam không tốt, thiếu đi những trụ cột như Văn Lâm, Trọng Hoàng, Văn Hậu… Nhìn chung nếu có đầy đủ lực lượng tốt nhất, tôi nghĩ cơ hội đòi lại ngôi vương của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2022 cũng khoảng 70-80%" -  cựu tuyển thủ, nhà vô địch AFF Cup 2008  Huỳnh Quang Thanh.