Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án bất động sản bị siết nợ: Liệu khách hàng có bị “đuổi” ra đường?

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chính thức có hiệu lực một tuần (15/8), thế nhưng hầu như các ngân hàng đều có lý do để từ chối trả lời báo chí về việc thực hiện các quy định này, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS).

Hiện, không ít khách hàng tỏ ra lo lắng vì có thể bị "đuổi" ra đường, bởi nợ đọng của chủ đầu tư.
Chỉ là khuôn khổ pháp lý thực hiện cam kết

Thực ra, việc chủ đầu tư thế chấp dự án hình thành trong tương lai là chuyện bình thường, tuy nhiên khi bán sản phẩm BĐS cần phải giải chấp hoặc phải có sự chấp thuận của ngân hàng nhận thế chấp. Thế nhưng, thực tế không phải chủ đầu tư nào cũng thực hiện giải chấp theo đúng quy định để bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Dự án The Rubyland, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, do Công ty Tân Hoàng Thắng làm chủ đầu tư là một ví dụ điển hình. Hiện tại, khoảng 300 hộ dân mua căn hộ tại dự án này, sau gần 10 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu vì chủ đầu tư đã mang dự án đi thế chấp cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) từ năm 2009. Đã thế, khi SCB đưa ra các phương án giải quyết số nợ của chủ đầu tư, thậm chí sẵn sàng không tính lãi, lãi phạt mà chỉ thu hồi nợ gốc, thì Công ty Tân Hoàng Thắng vẫn chưa có động thái hợp tác xử lý, ngay cả việc thực hiện giấy tờ sở hữu căn hộ cho người dân cũng vậy.

Khách hàng tham khảo thông tin căn hộ tại một dự án bất động sản ở  phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng

Năm ngoái, việc TP Hồ Chí Minh và Hà Nội công bố những dự án BĐS đã thế chấp ngân hàng khiến thị trường BĐS một phen rúng động. Mới đây, Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa công bố danh sách 50 dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn đã được chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng cũng làm xôn xao dư luận, bởi lo lắng từ những bài học nhãn tiền trước đó, tương tự như của cư dân The Rubyland.

Thế nên, với quy định tại Nghị quyết 42/2017, việc khách hàng mua căn hộ dự án hay một sản phẩm BĐS nào đó của dự án đã bị mang đi thế chấp (mà bản thân họ không biết) tỏ ra lo lắng vì sợ bị “đuổi” ra đường, ngay cả khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, là điều không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 vào đầu tháng 8 vừa qua, Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho rằng, Nghị quyết 42 không hề mang lại đặc quyền nào cho ngân hàng. Thực ra, đó chỉ là khuôn khổ pháp lý để ngân hàng và khách hàng có thể thực hiện cam kết ngay từ khi ký hợp đồng, tránh tình trạng khi đi vay, khách hàng cam kết thế chấp, nhưng khi ngân hàng đòi nợ thì khách hàng lại không hợp tác để ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm.

Quyền lợi người mua nhà dự án vẫn được đảm bảo

Theo luật sư Trần Trung Kiên (Công ty Luật Kiên và cộng sự), với quy định mới tại Nghị quyết 42/2017, nếu khoản nợ có đầy đủ điều kiện pháp lý, trong hợp đồng có thỏa thuận về tài sản bảo đảm, khách hàng không trả nợ thì sẽ buộc phải bàn giao cho chủ nợ mà không phải qua tòa án, trừ trường hợp hợp đồng thiếu cơ sở pháp lý. Như vậy, Nghị quyết đã cho phép các ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm là dự án BĐS (đã được chủ đầu tư thế chấp ngân hàng) và tài sản này sẽ thuộc về ngân hàng đó nếu quá thời hạn trả nợ mà chủ đầu tư không trả được nợ, cho dù khách mua căn hộ tại dự án đó đã thanh toán đủ cho chủ đầu tư.

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, chị Vương Phương Thảo (quận Thanh Xuân, Hà Nội) không giấu khỏi lo lắng, bởi chị đã tham gia mua một căn hộ chung cư tại dự án trên đường Tố Hữu, đã đóng được 3 lần tiền, tương đương khoảng 65% giá trị căn hộ, việc chủ đầu tư có thế chấp dự án cho ngân hàng hay không thì những khách hàng như chị không thể có thông tin. “Nếu chủ đầu tư dự án nợ không trả đúng hạn thì ngân hàng sẽ siết nợ bằng chính dự án. Vậy, quyền lợi của chúng tôi có được đảm bảo không?” – chị Thảo băn khoăn.

Về vấn đề này, luật sư Trần Trung Kiên cho hay, muốn xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Bộ luật Dân sự mới (có hiệu lực từ 1/1/2017), Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), TCTD chỉ có một lựa chọn là phải ra tòa và trung bình mất thời gian khoảng 3 năm. Song, Nghị quyết 42 cho phép tòa áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý tranh chấp đối với hợp đồng tín dụng cũng như hợp đồng về xử lý tài sản bảo đảm với khách hàng. Điều này cũng thể hiện rằng, người dân có thể kiện ngân hàng ra tòa nếu quyền lợi của họ bị xâm phạm. Riêng đối với tài sản bảo đảm là dự án BĐS, Nghị quyết quy định bên nhận chuyển nhượng dự án phải kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng. Như vậy là quyền lợi của người mua nhà tại dự án thế chấp vẫn được đảm bảo.

Nghị quyết 42/2017 là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu thời gian qua; là động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu, nhất là trong lĩnh vực BĐS. Thế nhưng điều lạ là, sau một tuần Nghị quyết có hiệu lực, hầu như các ngân hàng vẫn e ngại khi đề cập tới việc thực hiện quy định của Nghị quyết với báo chí, vì cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, phải chờ các văn bản hướng dẫn thực hiện.
VAMC thu giữ tài sản bảo đảm đầu tiên theo Nghị quyết 42

Thực hiện Nghị quyết số 42, ngày 21/8/2017, VAMC đã thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty CP Sài Gòn One Tower.

Trước đó, VAMC đã ký Hợp đồng mua nợ của một số tổ chức tín dụng với khoản nợ của Công ty CP Sài Gòn One Tower (trước đây là Công ty CP Địa Ốc Sài Gòn M&C); Công ty CP Đầu tư Liên Phát; Công ty CP TVĐT và XD Minh Quân; Công ty CP Tân Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) đến thời điểm hiện nay đã lên trên 7.000 tỷ đồng. VAMC đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, làm việc và yêu cầu nhóm khách hàng nêu trên thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, khách hàng không thực hiện, không có phương án trả nợ khả thi. (Trâm Anh)
Thay đổi chủ đầu tư chỉ kéo dài thời gian xác nhận quyền sở hữu

Xử lý nợ xấu giống như phẫu thuật khối u trong cơ thể. Phải có chấn thương nhưng sẽ hy vọng khỏi bệnh. Đối với xử lý nợ xấu BĐS, theo Nghị quyết 42/2017, ngân hàng được phép thu nợ bằng dự án mà chủ đầu tư mang thế chấp, nếu quá hạn trả nợ. Như vậy, dự án chỉ là thay đổi chủ đầu tư, còn các quyền lợi vẫn được pháp luật và Nghị quyết bảo vệ. Nếu có vướng mắc trước mắt, thì đó là sẽ phải kéo dài thêm thời gian để bổ sung các thủ tục, giấy tờ phù hợp cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Điều này, giúp khách hàng không còn bị treo sổ hồng lâu dài như trước vì nợ nần của chủ đầu tư, chứ không phải quyền lợi của người mua nhà dự án thế chấp bị “phế truất”. Tuy nhiên, cũng như những dự án mua bán - sáp nhập (M&A), sẽ khó tránh khỏi những thay đổi về chính sách và cam kết giữa chủ đầu tư mới với khách hàng đã mua nhà dự án. Để hạn chế những bất đồng trong trạng huống này, tôi cho rằng, cả chủ mới và khách hàng đều nên có nhân nhượng trong thỏa thuận để có kết quả tốt nhất.
Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Ngọc Thành
Cần hình thành thói quen luật hóa các giao dịch bất động sản

Về bản chất, nợ và thế chấp ngân hàng không phải là xấu, mà chỉ là một công cụ vốn tài chính cho nhà phát triển dự án và yêu cầu họ phải đảm bảo được sức khỏe tài chính của DN và dòng tiền ổn định để chi trả phần lãi trên vốn vay. Đây chính là điểm mấu chốt thành bại của nhiều dự án khi mà những chủ đầu tư quản lý không tốt được tài chính của mình cũng như việc triển khai dự án một cách hiệu quả dẫn tới việc thiếu vốn. Do vậy, người mua cần tìm hiểu kỹ các thông tin, tránh tình trạng mua phải những lô đất, căn hộ của dự án đã được mang đi thế chấp ngân hàng, gây nên tình trạng rắc rối khi làm giấy tờ sở hữu nhà đất. Đồng thời, người dân nên hình thành thói quen luật hóa các giao dịch BĐS bằng cách thuê tư vấn pháp lý khi ký hợp đồng mua nhà.
Giám đốc Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương