Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án cải tạo sông Tích: Chậm vì vướng giải phóng mặt bằng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Quyết định số 1054/QĐ-UBND ngày 4/3/2016 của UBND TP Hà Nội, giai đoạn I của dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) dự kiến phải hoàn thành trong năm 2020.

Tuy nhiên, phân kỳ đầu tư vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại huyện Ba Vì.
Khó xác định nguồn gốc đất vì mua bán lòng vòng

Công tác GPMB dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú xã Thuần Mỹ được triển khai thực hiện trên địa bàn 9 xã thuộc huyện Ba Vì. Tổng diện tích cần thu hồi, GPMB phục vụ thi công dự án này là 287,18ha.
 Dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích đang được rốt ráo triển khai. Ảnh: Lâm Nguyễn
Đến nay, huyện Ba Vì đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được 240,21ha. Đồng thời, phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ GPMB và đang tiến hành chi trả tiền cho các hộ trên diện tích 33,27ha. Phần diện tích còn lại chưa hoàn thành GPMB là 13,7ha. Chia sẻ về một số khó khăn trong công tác GPMB thời gian qua, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì Phùng Hữu Lộc cho biết, trên địa bàn huyện hiện chưa có bản đồ địa chính chính quy nên việc xác định nguồn gốc sử dụng đất gặp nhiều khó khăn.
Công tác GPMB đang được thực hiện trên cơ sở căn cứ duy nhất là bản đồ 299 đo vẽ năm 1986. Đối với đất nông nghiệp, các hộ gia đình tự mua bán, chuyển nhượng không qua chính quyền và đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm ao thả cá. Hiện cũng còn nhiều hộ gia đình có tranh chấp quyền sử dụng đất làm ảnh hưởng đến tiến độ xác minh nguồn gốc đất.

Một khó khăn khác theo ông Lộc là phần diện tích đất nằm ngoài bản đồ 299, hiện trạng các hộ đang sản xuất nông nghiệp ổn định; bờ thửa, ranh giới rõ ràng và thời điểm sử dụng trước 1/7/2004. Trong suốt quá trình sử dụng đất của các hộ không có biên bản xử lý vi phạm về đất đai của cơ quan Nhà nước. Thêm nữa, các hộ xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ đời sống (bếp, nhà vệ sinh, sân, giếng…) không tập trung mà nằm rải rác khắp thửa đất, chỉ giới GPMB nằm vào một phần thửa đất, không thu hồi hết. Điều này khiến UBND các xã, thị trấn gặp nhiều lúng túng trong việc xác định vị trí đất ở, diện tích đất ở thu hồi trong thửa đất có cả đất ở và đất vườn, cũng như tính hợp pháp của tài sản.

Phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý II/2021

Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội - chủ đầu tư dự án) Đinh Công Sơn cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Ba Vì trong công tác GPMB; thực hiện GPMB đến đâu, tổ chức thi công các hạng mục công trình đến đó. Hiện, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành xây dựng cụm công trình đầu mối với cống đầu mối, kênh dẫn hạ lưu cống; kênh dẫn thượng lưu cống. Khối lượng còn lại gồm khoảng 40m kè bảo vệ và hoàn thiện nhà quản lý vận hành. Lòng dẫn đoạn 1 dài 27,6km cơ bản hoàn thành 18km (từ K0 - K18). 7 cầu giao thông, 4 trạm bơm tưới, 24 cống tiêu, cống điều tiết Đầm Long cùng nhiều hạng mục khác cũng đang được gấp rút xây dựng…
Đại diện Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết thêm, hiện đơn vị đang tập trung phối hợp với UBND huyện Ba Vì sớm hoàn thành và bàn giao toàn bộ mặt bằng phần diện tích còn lại của đoạn 1 dự án để nhà thầu thi công; phấn đấu hoàn thành sớm nhất cụm công trình đầu mối.

Liên quan đến tiến độ GPMB của giai đoạn I dự án, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì Phùng Hữu Lộc nhấn mạnh, đơn vị đang tập trung đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị các xã, thị trấn hoàn thành phê duyệt Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với phần diện tích còn lại trong tháng 4/2021. Đối với các hộ không nhất trí nhận tiền và bàn giao mặt bằng, không loại trừ khả năng UBND huyện Ba Vì sẽ thiết lập hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất trong quý II/2021.