Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang xây dựng đến đâu?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 đang trong giai đoạn nước rút. Hiện toàn bộ nhà thầu đang chạy đua với thời gian để hoàn thành mục tiêu đưa dự án vào khai thác ngay trong năm 2023.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang trên đường về đích
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang trên đường về đích

Dự án thành phần đầu tư xây dựng Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 6,01km, trong đó, cầu chính dài khoảng 1,9km, thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h.

Đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7km, trong đó phía Tiền Giang dài 4,3km và phía Vĩnh Long dài 0,4km. Giai đoạn đầu, cầu được đầu tư phân kỳ làm 4 làn xe.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.000 tỷ đồng, khởi công tháng 3/2020. Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Điểm đầu của dự án khớp nối với Dự án đường Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phía Tiền Giang. Điểm cuối khớp nối vào Dự án đầu tư xây dựng đường Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư), tổng giá trị xây lắp cầu Mỹ Thuận 2 đến nay đạt khoảng 97% khối lượng. Trong đó, 4 gói thầu đã hoàn thành, gói còn lại là XL03B thi công kết cấu phần trên nhịp chính đã hoàn thành 93%.

Dự kiến, đến ngày 17/12 sẽ hoàn thành thảm bê tông nhựa mặt cầu và các hạng mục phụ trợ khác như kè gia cố bờ sông, lắp đặt lan can, dải phân cách, hệ thống biển báo... và hoàn thành toàn bộ trước 25/12 và đưa vào khai thác ngay trong năm 2023.

Để đảm bảo cho dự án về đích đúng kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu các nhà thầu tập trung thi công và hoàn thành những hạng mục còn lại của dự án sớm hơn dự kiến. Riêng nhà thầu VNCN E&C được yêu cầu phải tăng cường nhân lực, tập trung giải quyết dứt điểm các công việc, bám sát tiến độ từng ngày.

Bộ GTVT nhấn mạnh, việc hoàn thành các dự án trọng điểm tại khu vực, trong đó có dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ giúp rút ngắn khoảng cách từ TP Hồ Chí Minh về TP Cần Thơ. Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả kết nối liên vùng với các dự án khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh.

Đây là một trong những cây cầu dây văng lớn của nước ta và cũng là cầu đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế, giám sat, thi công, nghiệm thu... “Chúng ta đã chủ động được các công nghệ, trong suốt quá trình thi công chúng ta đã kiểm soát được tiến độ, chất lượng và an toàn. Từ công trình này, chúng ta có thể thực hiện thêm nhiều dự án khác. Trong đó, cầu Đại Ngãi vừa được khởi công cũng là cây cầu tiếp theo do chúng ta làm chủ công nghệ” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết.