Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể:

Dự án chậm tiến độ hiện nay không nhiều như trước đây

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/6, trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, trong giai đoạn từ nay về sau vấn đề chậm tiến độ của các dự án sẽ được giảm nhẹ chứ không như trước đây...

Có bao nhiêu nhà thầu đủ năng lực?

Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể là tại sao đầu tư theo hình thức BOT thì các nhà đầu tư không dành sự ưu tiên nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực cầu đường? Ngoài ra, ba dự án trọng điểm quốc gia mà Quốc hội giao là đến hết 31/12/2025 là cơ bản hoành hành. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện bao nhiêu % của dự án thì gọi là cơ bản hoàn thành?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị ngày 10/2/2022 nêu rõ, nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng trung du và miền núi Bắc Bộ còn thấp, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, dàn trải, hiệu quả chưa cao. Đề nghị Bộ trưởng cho biết tới đây, chương trình hành động của Bộ để thực hiện Nghị quyết 11 sẽ tập trung ảnh những giải pháp nào nhằm khắc phục tình trạng nêu trên?

Tham gia tranh luận, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) nhấn mạnh, trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có khẳng định, chỉ có những dự án lớn mới xảy ra tình trạng chậm tiến độ. Trong khi đó tại Kỳ họp này, Bộ lại tiếp tục trình thêm 5 dự án lớn tiếp theo. Như vậy, khả năng chậm tiến độ với các dự án này là hiện hữu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ, hiện tại trong cả nước có bao nhiêu nhà thầu đủ năng lực để thực hiện những dự án này? Và nếu tiếp tục không kịp tiến độ thì trách nhiệm tham mưu của Bộ trong vấn đề này ra sao?

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Quochoi.vn

Quan ngại của nhà đầu tư là nợ xấu

Trả lời câu hỏi của đại biểu về BOT có dư luận cho rằng nhà đầu tư không mặn mà, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, cần phân biệt giữa các dự án BOT trước đây, trước khi có Nghị quyết 437 và BOT hiện nay là một hình thức PPP. Hai hình thức này khác nhau hoàn toàn. Hiện nay PPP làm trên đường song hành, làm trên các tuyến cao tốc. Còn BOT trước đây thực hiện theo Nghị định 108 khi chưa có luật, chưa có Nghị quyết của Quốc hội. Và các bức xúc đối với BOT tập trung chủ yếu là trên đường hiện hữu.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, một trong những quan ngại của nhà đầu tư là nợ xấu do hụt doanh thu và một phần các trạm có vấn đề. Do đó cần giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đó có quyền lợi nhà đầu tư ngân hàng. Một khi giải quyết được các vấn đề này thì nhà đầu tư và các ngân hàng rất sẵn sàng, do đó, trong thời gian tới Bộ sẽ cố gắng phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, rà soát kỹ, có một số nguồn lực để xử lý dứt điểm những vướng mắc.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, trong giai đoạn từ nay về sau vấn đề chậm tiến độ của các dự án sẽ được giảm nhẹ chứ không như trước đây
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, trong giai đoạn từ nay về sau vấn đề chậm tiến độ của các dự án sẽ được giảm nhẹ chứ không như trước đây

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến những dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, chậm tiến độ hiện nay khác với trước đây. Các dự án chậm tiến độ hiện nay không có nhiều bởi vì theo Luật Đầu tư công mới, các dự án đều được bố trí đủ tiền, phân định loại dự án, tiến độ, giai đoạn. Do đó, chậm tiến độ hiện nay không phải liên quan đến nguồn vốn mà chậm là do khâu tổ chức thực hiện và ảnh hưởng thời tiết, địa chất... Do đó, chậm tiến độ hiện nay không nhiều như trước đây.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đa số các dự án bố trí nhỏ giọt, bố trí tiền không đủ và kéo dài, dẫn đến lãng phí, thi công hoài mà không xong. Trong khi hiện nay với quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ còn đi kiểm tra công trường, giám sát sâu sát; các cơ quan, các địa phương cũng ý thức là dự án trọng điểm sẽ góp phần tạo đột phá cho phát triển kinh tế địa phương, tạo điều kiện không gian mới do đó đều rất quyết tâm. Trong giai đoạn từ nay về sau vấn đề chậm tiến độ của các dự án sẽ được giảm nhẹ chứ không như trước đây...