70 năm giải phóng Thủ đô

Dự án chống ngập lụt tại Vĩnh Phúc: nhiều hạng mục công trình tan hoang

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư hơn 4.815 tỷ đồng dù mới hoàn thành và đang vận hành thử nghiệm, nhưng nhiều hạng mục hiện đã sạt lở, nứt vỡ… khiến người dân nghi ngờ về chất lượng công trình.

Hạng mục công trình Trạm bơm tiêu Kim Xá thuộc Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc hiện nhiều chỗ bị gãy vỡ tan tành. Ảnh: Sỹ Hào
Hạng mục công trình Trạm bơm tiêu Kim Xá thuộc Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc hiện nhiều chỗ bị gãy vỡ tan tành. Ảnh: Sỹ Hào

Theo quan sát của phóng viên Kinh tế và Đô thị, tại Trạm bơm tiêu Kim Xá, sau cơn bão số 3, khi nước lũ đã rút, nhiều hạng mục kè hai bên bờ kênh bơm tiêu lộ ra, cho thấy nhiều khối bê tông cốt thép đã nứt toác, thậm chí bị phá vỡ, tan nát, rời ra thành từng mảng lớn nhỏ ngổn ngang.

Cảnh tượng "tan hoang" của hạng mục công trình Trạm bơm tiêu Kim Xá. Ảnh: Sỹ Hào 
Cảnh tượng "tan hoang" của hạng mục công trình Trạm bơm tiêu Kim Xá. Ảnh: Sỹ Hào 

Trạm bơm tiêu xã Kim Xá là một trong những hạng mục của Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, được thiết kế nhằm bơm nước từ các xã của huyện Tam Dương về sông Phó Đáy, thuộc địa phận huyện Vĩnh Tường, nhằm thoát nước ra các dòng sông Lô và sông Hồng.

Hiện tại, mặc dù Dự án vẫn đang trong quá trình chạy thử nghiệm, nhiều vị trí từng là thân kè giờ đã lộ ra phần đất nền, do đoạn kè bê tông đã gãy vỡ thành nhiều mảng và bị lũ cuốn trôi xuống lòng kênh.

Nhiều vị trí tại kè kênh bơm tiêu Kim Xã bị nứt gãy. Ảnh: Sỹ Hào
Nhiều vị trí tại kè kênh bơm tiêu Kim Xã bị nứt gãy. Ảnh: Sỹ Hào

Theo kế hoạch, Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc dự kiến hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng vào năm 2021. Tuy nhiên, thời gian đã được gia hạn đến năm 2025. Đơn vị thực hiện gói thầu CW03, cung cấp, lắp đặt thiết bị và xây dựng hệ thống tiêu trạm bơm Kim Xá, là liên danh giữa Công ty CP Bơm Châu Âu (PECOM) và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA).

Dự án do Ban Quản lý Dự án sử dụng vốn vay nước ngoài (ODA) tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư, được thực hiện tại bảy địa phương của tỉnh, bao gồm các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên và thành phố Vĩnh Yên.

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 4.815,8 tỷ đồng, tương đương 220 triệu USD. Trong đó, nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 150 triệu USD và nguồn đối ứng của tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 70 triệu USD.

Việc đầu tư triển khai các dự án lớn nhằm giảm tối đa tác động môi trường do thiên tai, ngập úng và lũ lụt là hết sức cần thiết. Tỉnh Vĩnh Phúc đã dành khoản kinh phí lớn gần 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là vốn vay cộng thêm phần đối ứng từ ngân sách tỉnh, để thực hiện Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt, nhằm tăng cường khả năng chống lũ, chống ngập, giảm tối đa tác động của thiên tai, kiểm soát nguy cơ lũ lụt và cắt giảm điều tiết lũ cho lưu vực sông chảy qua tỉnh.

Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, dù được xem là trọng điểm của tỉnh, nhưng chỉ mới trong thời gian chạy thử nghiệm, đã xuất hiện nhiều hạng mục hư hỏng, gãy vỡ. Điều này khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng thi công của “siêu dự án” này và mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ những tồn tại, hạn chế để có hướng khắc phục kịp thời.