Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án cống hóa sông Cầu Đá: 8 năm vẫn dở dang

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kintedothi - TP Hà Nội đã có quyết định cống hóa sông Cầu Đá và làm đường từ năm 2010, nhưng dự án vẫn dở dang chưa biết đến bao giờ hoàn thiện. Vì vậy, hàng trăm hộ dân sống ven sông Cầu Đá thuộc các phường Cổ Nhuế 1, Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) và Xuân La (quận Tây Hồ) phải chịu cảnh ô nhiễm từ con sông “chết”.

 Đoạn sông Cầu Đá chảy qua ngõ 488 phố Trần Cung rêu, rác phủ kín trên dòng nước đen kịt. Ảnh: Vũ Lê
Sống khổ vì ô nhiễm
Theo khảo sát của phóng viên, tại ngõ 579 đường Phạm Văn Đồng, ngõ 488 Trần Cung (phường Cổ Nhuế 1) nơi có sông Cầu Đá chảy qua, tình trạng ô nhiễm diễn ra nặng nề. Dòng nước đen kịt, luôn bốc mùi xú uế khiến những người chưa quen với bầu không khí này cảm thấy khó thở. Một số điểm tại các cửa cống lớn tại ngõ 297, ngõ 488 phố Trần Cung xuất hiện tình trạng rêu rác ứ đọng, nước thải ken đặc màu vàng đục. Hai bên bờ sông là vô số các ống cống nước thải của các hộ dân ngày đêm xả nước, rác thải sinh hoạt xuống lòng sông.

Theo các hộ dân, khi nào có mưa, nước sông ô nhiễm bị pha loãng thì tình trạng ô nhiễm đỡ phần nào, còn vào mùa hanh khô chảy trong lòng sông chủ yếu là nước thải nên luôn bốc mùi hôi thối khó chịu. Để hạn chế mùi hôi thối từ con sông, người dân đã làm đủ mọi cách từ căng bạt, lắp cửa kính, dán băng dính vào các khe hở của cửa sổ… nhưng tất cả đều không mấy hiệu quả.

Ông Chu Ngọc Than, số nhà 33, ngõ 579 đường Phạm Văn Đồng than vãn: "Nhà tôi lúc nào cũng phải đóng hết tất cả các cửa, bịt băng dính. Thậm chí vào những ngày nắng nóng, một số nhà sống hai bên bờ sông buộc phải sơ tán sang nhà họ hàng". Bà Nguyễn Thị Bích Liên, số nhà 39, ngõ 579 đường Phạm Văn Đồng cũng cho biết, cách đây hơn chục năm, con sông còn rất sạch, nhưng bây giờ không khác một tuyến chứa nước thải nên người dân đều mong mỏi cống hóa để thoát khỏi cảnh sống khổ này.

Đợi ngày cống hóa

Ông Chu Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 cho biết, con sông này chảy qua nhiều địa bàn phường như Xuân La, Xuân Đỉnh, đến Cổ Nhuế 1 rồi đổ về sông Nhuệ. Vì nằm ở đoạn cuối nhánh sông, phải hứng chịu toàn bộ nước thải dồn ứ lại nên đoạn chảy qua địa bàn Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế 1 luôn thường trực ô nhiễm. Hiện tại, sông Cầu Đá do Xí nghiệp Thoát nước số 2 (Công ty Thoát nước Hà Nội) quản lý. Nhân dân trên địa bàn phường thường xuyên có kiến nghị về việc ô nhiễm tại các cuộc tiếp xúc cử tri. UBND phường Cổ Nhuế 1 đã nhiều lần đề nghị và Xí nghiệp Thoát nước số 2 nạo vét, khơi thông dòng chảy. Trên thực tế, hiện nay mỗi ngày đơn vị thoát nước đều có 2 công nhân thường xuyên duy trì vớt rác, khơi dòng. Tuy nhiên, do nước sinh hoạt của các hộ gia đình tại các khu dân cư cũ của phường rất lớn và chủ yếu đổ ra sông Cầu Đá nên không thể chấm dứt tình trạng ô nhiễm.

Ông Chu Việt Dũng cho biết thêm, theo Quyết định số 2148/QĐ-UBND, ngày 14/5/2010 của UBND TP Hà Nội, tổng diện tích dự kiến thu hồi của dự án là hơn 36.000m2, trong đó có hơn 34.600m2 đất tại phường Cổ Nhuế 1. Hiện nay, UBND phường Cổ Nhuế 1 và Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Bắc Từ Liêm đang thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm giai đoạn 2 đối với 229 hộ đất ở và 2 hộ đất nông nghiệp thực hiện dự án Xây dựng tuyến đường số 3 vào Trung tâm khu đô thị mới Tây Hồ Tây trên địa bàn phường Cổ Nhuế 1. “Trong khi chờ đợi hoàn thiện dự án đường số 3, từ năm 2015 đến nay, Xí nghiệp thoát nước số 2 của TP đã 3 lần thực hiện tiến hành nạo vét, cải tạo lòng sông, vớt rác thải cản dòng chảy, xử lý tình trạng ô nhiễm nhưng vẫn không hết được mùi hôi thối nồng nặc. Hy vọng sau khi hoàn thành dự án đường số 3, tình trạng này sẽ được cải thiện” – ông Dũng chia sẻ.
Ngày 14/5/2010, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 2148/QĐ-UBND, về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Xây dựng tuyến đường số 3 vào trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây. Theo đó, sông Cầu Đá sẽ được cống hóa và làm đường, vỉa hè bên trên. Tuy nhiên, hiện tại dự án vẫn đang trong giai đoạn… tiến hành. Cụ thể, đoạn sông Cầu Đá (từ đường Phạm Văn Đồng đổ về sông Nhuệ) đã thực hiện xong. Đoạn sông từ ngõ 579 đường Phạm Văn Đồng đến Hồ Tây dài gần 3km vẫn đang chờ GPMB.