Và câu chuyện người dân Thủ đô thiếu không gian công cộng, nơi vui chơi giải trí sẽ còn được nhắc đến nhiều nếu trách nhiệm người thực thi chưa được rõ ràng.
Những dự án “ngủ vùi”
Trong 20 năm qua, đặc biệt từ năm 2014, TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã có nhiều khu đất diện tích lớn được quy hoạch xây dựng công viên, hồ điều hòa. Nhưng trên thực tế nhiều dự án vẫn chỉ là những bãi đất trống được quây tôn bên trong là cỏ cây, bụi rậm nham nhở hay hàng quán tạm bợ được dựng lên.
Trong đó điển hình là công viên Kim Quy (huyện Đông Anh), công viên Hello Kitty (quận Tây Hồ), Khu công viên thể thao, cây xanh quận Hà Đông... là những công viên lớn được kỳ vọng thay đổi diện mạo Thủ đô, góp phần gia tăng trải nghiệm cho du khách, người dân Hà Nội. Tuy nhiên, sau nhiều năm hiện các công viên này vẫn chưa được triển khai, gây lãng phí rất lớn về đất đai.
Công viên Kim Quy là dự án công viên lớn bậc nhất Thủ đô có quy mô hơn 100ha, tổng vốn khoảng 4.600 tỷ đồng. Dự án khởi công từ tháng 9/2016 và cam kết cuối năm 2018 đưa vào sử dụng giai đoạn 1, nhưng đến nay vẫn là khu đất trống. Tương tự công viên Hello Kitty nằm ở khu “đất vàng” quận Tây Hồ đã được duyệt quy hoạch từ 2018 với tầng cao 8 tầng, mật độ xây dựng 80%.
Chủ đầu tư tuyên bố khởi công vào năm 2018, hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn "đắp chiếu", chưa triển khai. Lý giải về sự chậm tiến độ của hai dự án công viên, Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho hay, hai dự án công viên Kim Quy và Hello Kitty hiện không vướng gì về quy hoạch mà chủ yếu về vấn đề giải phóng mặt bằng và giao đất cho chủ đầu tư.
Đối với Khu công viên thể thao, cây xanh quận Hà Đông, Bí thư Quận ủy Nguyễn Thanh Xuân cho biết, khu vực này trước đây đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 có diện tích 98ha. Tuy nhiên do thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, TP đã giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Sau đó do chưa xác định được nguồn vốn đầu tư nên TP đã tạm dừng công tác lập quy hoạch điều chỉnh khu công viên cây xanh này.
“Hiện nay, dự án đã giải phóng mặt bằng được 52ha, do đó TP cần giao lại nhiệm vụ cho Viện Quy hoạch xây dựng tiếp tục thực hiện lập quy hoạch điều chỉnh khu công viên cây xanh này. Khi đã có quy hoạch được duyệt sẽ là căn cứ TP bố trí nguồn vốn để thực hiện xây dựng đối với phần đã giải phóng mặt bằng, đồng thời là cơ sở để kêu gọi nhà đầu tư vào thực hiện phần chưa giải phóng mặt bằng để đồng bộ dự án” - ông Nguyễn Thanh Xuân đề xuất.
Không chỉ hàng loạt các dự án công viên “rùa bò” nằm tại các quận mới có quỹ đất rộng mà ngay tại quận lõi nội đô, nơi mà quỹ đất dành cho phát triển không gian xanh hầu như không còn thì dự án Công viên Văn hóa Thể thao quận Đống Đa (quận Đống Đa) cũng “ngủ vùi” hàng thập kỷ và chưa hẹn ngày cán đích.
Theo KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), có nhiều công viên trong quy hoạch nhưng rất nhiều năm trong tình trạng dở dang khiến nguồn lực đất đai bị lãng phí nghiêm trọng. Những công viên vẽ ra cách đây cả thập kỷ nhưng thực ra vào đấy là những bãi cỏ hoang, là quán ăn, là những mảnh đất bị chiếm nham nhở. Từ thực tế này cho chúng ta thấy công tác quản lý phần không gian xanh của TP của đơn vị chức năng chưa làm đúng trách nhiệm, thể hiện năng lực quản trị trong việc gia tăng chất lượng sống đô thị còn yếu.
Đẩy mạnh cơ chế người dân giám sát
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nội đô hiện có 63 công viên, vườn hoa, với tổng diện tích 280ha, chiếm khoảng 2% tổng quỹ đất. Riêng 4 quận lõi trung tâm có 30 công viên, vườn hoa, chiếm 1,92% tổng diện tích đất, tương đương chỉ 2,08m2/người.
Từ năm 2014, TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu 60 công viên, vườn hoa đô thị (trong đó có 18 công viên, vườn hoa xây mới, cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa hiện có). Tuy nhiên theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, việc phát triển công viên, vườn hoa công cộng đến nay chưa đạt chỉ tiêu.
Các chuyên gia về đô thị đều cho rằng, nếu để tình trạng các chỉ tiêu về không gian xanh, cây xanh mặt nước kéo dài sẽ khiến cho đô thị phát triển không đúng chuẩn mực, kém chất lượng và thiếu bền vững. Do đó, đã đến lúc Hà Nội phải cần có ngay những thay đổi thiết thực để hướng đến việc xây dựng Thủ đô phát triển xanh và thông minh. Đây là hai tiêu chuẩn không thể thiếu của một đô thị phát triển về chất và bền vững, hơn hết đó là việc nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính phân tích, công viên không chỉ là nơi gặp gỡ giao lưu mà còn là nơi để mọi người dân có thể đến hưởng thụ, nhất là tại Hà Nội khi mật độ dân số đông. Rõ ràng công viên là để người ta đến để trao đổi, giao lưu văn hóa, để người ta hít thở không khí trong lành, nơi người ta đến để giao tiếp, nên công viên phải có cái mức độ hoàn thiện của nó.
Khi công viên không được hoàn thiện được theo mong muốn của người thiết kế, quy hoạch thì rõ ràng là chúng ta bỏ phí đi một cái quỹ đất rất quan trọng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT - GS Đặng Hùng Võ cho rằng, giải pháp thiết thực nhất để thức tỉnh những công viên, hồ điều hòa đang "ngủ quên" là công tác kiểm tra phải luôn được làm thường xuyên. Việc kiểm tra thường xuyên sẽ nắm bắt được tiến độ thực hiện của từng dự án.
Dự án nào sai với quy hoạch, chưa được làm đúng theo quy hoạch và thời hạn thì chính quyền phải yêu cầu thực hiện, nếu không thì phải xử lý, truy trách nhiệm đến cùng người trễ nải trong việc thực thi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ chế người dân giám sát.
Trên thực tế, việc kiểm tra, thanh tra thì vẫn còn đâu đó tình thân hữu, lợi ích nhóm lẩn khuất dẫn đến các sai phạm bị bao che, bưng bít. Nhưng để người dân giám sát thì không ai đi hối lộ Nhân dân được nên cơ chế người dân giám sát là rất hiệu quả.
"Hà Nội cần có cuộc rà soát, kiểm tra những dự án nào chậm tiến độ, trễ nải thực thi quy hoạch, sau đó lập phương án cụ thể, xác định lại nguồn lực đầu tư để sớm đưa các dự án thành hình. Các dự án công viên treo không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà khi bị treo nhiều năm thì trong khoảng thời gian đó hiệu quả sử dụng đất cũng hoàn toàn tê liệt. Việc để hoang phí đất đai sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho Nhà nước." - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT - GS Đặng Hùng Võ