Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô: Làm tốt GPMB là chìa khóa quyết định thành công

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 30/9, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội nghị cam kết tiến độ, ký giao ước thi đua trong công tác GPMB và tái định cư Dự án.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội chủ trì hội nghị.

Cùng chủ trì có các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Tham dự hội nghị còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo đã công bố Quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo là đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo có lãnh đạo TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là tuyến đường Vành đai liên vùng quan trọng, kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô. Chủ trương đầu tư của Dự án đã được Quốc hội thông qua với tổng tiến độ từ khâu chuẩn bị đầu tư đến tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2027.

Việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 sẽ tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ việc liên kết ngành, liên kết vùng và khai thác tối đa lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị, tạo các cực tăng trưởng mới. Đồng thời tổ chức và phân bố lại cơ cấu dân cư, phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết, phát triển đô thị kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng Thủ đô.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo đã công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo đã công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Điều này góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, tiến độ thực hiện công tác GPMB, tái định cư luôn là điểm mấu chốt trong việc triển khai các dự án đầu tư. Đặc biệt với dự án có khối lượng lớn và có nhiều điểm đặc thù như Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô thì công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là vô cùng quan trọng, có thể nói đây chính là chìa khóa quyết định sự thành công của dự án.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, qua tính toán có thể thấy diện tích đất cần GPMB là rất lớn, với 1.341ha. Trong đó, TP Hà Nội cần thu hồi khoảng 741ha tại địa bàn 7 quận, huyện. Tỉnh Bắc Ninh cần thu hồi khoảng 326ha tại địa bàn của 4 huyện, TP. Tỉnh Hưng Yên cần thu hồi khoảng 274ha tại địa bàn của 4 huyện. Do đó, việc cam kết tiến độ và ký kết giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là rất quan trọng và cần thiết.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày bản Giao ước thi đua thực hiện công tác GPMB và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày bản Giao ước thi đua thực hiện công tác GPMB và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Thay mặt Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát động Phong trào thi đua thực hiện công tác GPMB, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thống nhất, thi đua đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB, tái định cư phục vụ thi công của dự án”.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các địa phương cần quán triệt và thực hiện tốt 7 nhiệm vụ. Trong đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về cơ chế, chính sách trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Nhất là quán triệt sâu sắc sự cần thiết, cấp bách của việc sớm GPMB đầu tư dự án, làm cơ sở để các địa phương công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có đất bị ảnh hưởng biết, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong việc thu hồi, bồi thường GPMB.

Đặc biệt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường cải cách hành chính, duy trì hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, chống tiêu cực, lãng phí trong sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện…

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, sau khi Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày bản Giao ước thi đua thực hiện công tác GPMB và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, lãnh đạo 3 địa phương (TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên) đã bày tỏ đồng tình và thống nhất cao với 6 nội dung giao ước chung, 3 nội dung thi đua cụ thể. Theo đó, lãnh đạo 3 địa phương thống nhất, việc xây dựng, trình UBND TP Hà Nội và các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh cơ chế chính sách áp dụng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bổ sung danh mục kế hoạch sử dụng đất để thực hiện Dự án đầu tư xong trong tháng 10/2022.

Tổ chức lập, phê duyệt, cắm mốc GPMB và bàn giao ranh giới GPMB cơ bản hoàn thành trong tháng 10/2022 và hoàn thành toàn bộ chậm nhất trong tháng 11/2022. Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ban hành Quyết định thu hồi đất và GPMB, tái định cư xong toàn dự án đầu tư hoàn thành tháng 12/2023.

Về bàn giao mặt bằng, lãnh đạo 3 địa phương thống nhất: Tháng 6/2023, phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng để khởi công công trình. Tháng 12/2023, cơ bản bàn giao mặt bằng đối với toàn tuyến của Dự án. Phấn đấu khởi công công trình vào tháng 6/2023; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2027.

Lãnh đạo TP Hà Nội và các tỉnh chứng kiến lễ ký giao ước thi đua trong công tác GPMB và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
Lãnh đạo TP Hà Nội và các tỉnh chứng kiến lễ ký giao ước thi đua trong công tác GPMB và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên cùng Chủ tịch UBND 15 quận, huyện, TP của 3 địa phương đã ký Giao ước thi đua thực hiện công tác GPMB và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội với các nội dung như trên.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, xác định đây là một dự án trọng điểm quốc gia, nên tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo, do trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Đối với 4 huyện, TP có dự án đi qua cũng đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Qua rà soát trên địa bàn tỉnh có một số khó khăn, trong đó có một số khu vực lịch sử đất đai phức tạp, tới đây Tỉnh ủy sẽ có hội nghị chuyên đề về dự án này. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận cao đối với dự án, hạn chế thấp nhất đơn thư và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn tin tưởng, với lộ trình và quyết tâm cao được 3 địa phương cam kết, công tác GPMB và tái định cư Dự án sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, việc ký giao ước thi đua là một hoạt động rất thiết thực, mở đầu cho một chuỗi hoạt động liên quan đến công tác triển khai của Dự án. Nhấn mạnh đến vai trò và ý nghĩa của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đối với việc kết nối, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên khẳng định quyết tâm sẽ triển khai công tác GPMB đúng tiến độ, để đến ngày 30/6 sẽ bàn giao 70% mặt bằng, khởi công dự án; cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cũng kiến nghị Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ duy trì họp thường xuyên, định kỳ để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.