Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án đường Vành đai 4: Cần có sự đầu tư xứng tầm

Dương Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (Dự án Vành đai 4) và Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh.

Cần có sự đầu tư xứng tầm cho một dự án mang tầm quốc gia

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) kỳ vọng, với các dự án lớn như đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước sẽ thu hút cả đầu tư công tư PPP, nhưng hiện nay vẫn chưa thể thực hiện theo phương thức đầu tư này.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: TN
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: TN

“Đây là dự án lớn, yêu cầu nguồn vốn rất cao, tại sao lại không lựa chọn đầu tư công tư, phải chăng chúng ta đang có tâm lý dễ bỏ, khó làm. Trước đây, một số dự án ban đầu cũng giao đầu tư PPP nhưng khi triển khai gặp khó lại bỏ. Đây là câu chuyện Chính phủ cần phân tích một cách thấu đáo”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nói.

Trong khi đó, đại biểu Lê Tấn Tới (Đoàn Long An) lại đề xuất, cần nghiên cứu kỹ địa hình, thổ nhưỡng của các dự án giao thông trước khi triển khai, từ đó bố trí nguồn vốn phù hợp, tránh tình trạng khi vào triển khai lại bị đội vốn.

Về công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu dẫn chứng thực tế một số địa phương làm các dự án giao thông, đoạn nào khó giải phóng mặt bằng lại “tránh, né” đoạn đó, khiến nhiều con đường đáng ra thẳng lại phải uốn lượn. Với dự án lớn như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh cần có sự đầu tư xứng tầm cho một dự án mang tầm quốc gia.

Đại biểu Đào Hồng Lan (Bắc Ninh) nhấn mạnh, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, có tác động tích cực kéo giãn mật độ dân cư, giảm áp lực giao thông cho 2 đô thị là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối 2 thành phố này với các tỉnh xung quanh, tạo nên liên kết vùng rộng mở cho không gian phát triển.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, đi qua địa phận thành phố Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (25,6km).

Đại biểu nhận định, trong bối cảnh khu vực Bắc sông Đuống cơ bản phát triển kín hết, đường Vành đai 4 đi qua khu vực Nam sông Đuống sẽ mở ra không gian phát triển, tạo động lực cho tỉnh Bắc Ninh phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

Quy hoạch song song để thu địa tô chênh lệch

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) bày tỏ tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, cấp bách đầu tư hai dự án: Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề thu hồi vốn của hai dự án này. Cụ thể, theo đại biểu, nếu các dự án giao thông được quy hoạch đồng thời với các dự án khác hai bên đường như đô thị, khu công nghiệp, thuê mặt bằng… thì nguồn tiền thu được từ sử dụng đất, đặc biệt là địa tô chênh lệch sẽ “không ít”, thậm chí “thừa tiền làm đường”, nhất là các dự án vành đai đô thị.

Đại biểu Lê Thanh Vân
Đại biểu Lê Thanh Vân

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng chỉ ra rằng, dự án Vành đai 4 Hà Nội chủ yếu đi qua đất nông nghiệp, do đó cùng với việc phê chuẩn các dự án giao thông này song song với nhiệm vụ quy hoạch hai bên đường thì sẽ tạo ra quy hoạch dẫn đường và còn tạo ra địa tô chênh lệch.

Tại tổ đại biểu tỉnh  Hà Tĩnh, đại biểu Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh, việc triển khai các dự án vào thời điểm này là hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, mục đích sử dụng rừng và các quy định hiện hành vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ; công tác giải phóng mặt bằng đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tập trung cao.

Dự án đường Vành đai 4: Cần có sự đầu tư xứng tầm  - Ảnh 1

Đề nghị Chính phủ, các địa phương rà soát kỹ lưỡng vật liệu triển khai các dự án để công trình vừa đảm bảo tiến độ vừa đảm bảo chất lượng; rà soát kỹ lưỡng việc quy hoạch các tuyến giao thông kết nối giữa các hệ thống và nút giao; tiếp tục đề ra các cơ chế đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Trình Quốc hội xem xét đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Sáng 6/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (Dự án Vành đai 4) và Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là 2 dự án có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển KT- XH đã được dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2011 – 2022.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là sự hạn chế về nguồn lực nên chưa có điều kiện để triển khai trong giai đoạn này. Đến nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai 2 dự án trong giai đoạn 2021 – 2025 là hợp lý và cần thiết.

Theo đề xuất của Chính phủ, Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long, đi qua địa phận TP Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km). Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh dài 76,34 km, đi qua địa phận TP Hồ Chí Minh (47,51km); Đồng Nai (11,26km); Bình Dương (10,76km); Long An (6,81km).

Cả hai dự án đều tiến hành giải phòng mặt bằng các tuyến đường theo quy mô quy hoạch (6-8 làn xe cao tốc) và hệ thống đường đô thị song hành 2 bên. Riêng đường Vành đai 4 sẽ giải phóng mặt bằng dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai. Trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải, phù hợp các giải pháp đầu tư và nguồn lực, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, vận tốc thiết kế 80 km/h; đầu tư xây dựng đường song hành 2 bên.

Với quy mô đầu tư như trên, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341 ha; kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 19.590 tỷ đồng; Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là khoảng 642,7 ha, kinh phí giải phòng mặt bằng, tái định cư khoảng 41.589 tỷ đồng, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạc và giải phòng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh đối với các nút giao liên thông (đầu tư giai đoạn 1).

Chính phủ kiến nghị Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô sẽ có hình thức đầu tư là đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức PPP, được chia thành 7 dự án thành phần; tách riêng phần giải phòng mặt bằng và xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công; riêng Dự án thành phần 2 gồm hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7 km do UBND TP Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền.

Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh được kiến nghị đầu tư theo hình thức đầu tư công, chia thành 8 dự án thành phần; tách riêng phần giải phòng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới giữa các địa phương.

Đối với Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư, trong đó vốn BOT 29.447 tỷ đồng. Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng toàn bộ vốn Ngân sách Nhà nước, trong đó ngân sách Trung ương tham gia là 38.741 tỷ đồng.

Chính phủ dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án là từ năm 2022 đến năm 2027. Để đàm bảo tiến độ đầu tư, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt để triển khai đầu tư các dự án.