Tại Hội thảo, các đại biểu đã bàn bạc tập trung về vấn đề có nên tiếp tục sử dụng Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số hay không.
Hơn 400.000 trường hợp có hơn 1 CMND
Một trong những vấn đề mà các đại biểu quan tâm là việc có tiếp tục sử dụng CMND 9 số (cũ) hay không bởi nếu xóa bỏ hoàn toàn thì sẽ là một sự lãng phí lớn. ĐBQH tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân phát biểu, theo tờ trình Chính phủ, hiện chúng ta đã cấp hơn 68 triệu CMND 9 số, bỏ đi 68 triệu CMND cũ với những mối quan hệ đã thiết lập chằng chịt, lan tỏa trong toàn xã hội là việc cần cân nhắc. ĐB Phạm Trọng Nhân cũng cho rằng, về mặt xã hội, sự thay đổi này sẽ tạo ra sự xáo trộn, lãng phí vô cùng lớn. Về kĩ thuật, việc tăng từ 9-12 số phải tốn tài nguyên lưu trữ, làm chậm tốc độ truyền dẫn và xử lý dữ liệu.
Hội thảo về dự án Luật Căn cước công dân diễn ra tại Hà Nội sáng 26/9.
|
Tuy nhiên, trả lời ý kiến này, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, cho biết, CMND 9 số không đảm bảo yêu cầu cho trên 100 triệu dân cũng như cho công dân ở nước ngoài, hiện đã có những cháu sinh ra CMND bị cấp trùng số. Việc sử dụng CMND 12 số cũng đã được tham khảo trên 30 nước trên thế giới, đảm bảo mỗi công dân một số CMND, nhà nước quản lý hợp lý và nhất là không trùng nhau.
Cũng theo đại diện Bộ Công an, khi công dân chuyển hộ khẩu, hoặc thay đổi địa chỉ thường trú từ tỉnh này tới tỉnh khác thì phải cấp lại CMND nhưng có nhiều người không trả lại CMND đã cấp trước đó nên dẫn đến tình trạng 1 người nhưng có nhiều CMND, đặc biệt là nhiều loại tội phạm đã lợi dụng điều này để làm CMND khác, tránh sự điều tra của cơ quan công an. Theo báo cáo tổng kết công tác cấp CMND từ năm 1999 đến 2013 có: 433.705 trường hợp sai họ, tên; 13.320 trường hợp tráo người làm CMND; 421.999 trường hợp có từ 2-3 CMND trở lên…
Cần thu về một đầu mối
Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết, Bộ Công an đã chuẩn bị nhân sự, tính toán dung lượng đường truyền, lưu trữ, đảm bảo khi Luật được thông qua, Bộ Công an sẽ tiến hành ngay, không gây phiền hà. Hiện Bộ đã quản lý được khoảng 70 triệu hồ sơ căn cước công dân và hơn 80 triệu hồ sơ hộ khẩu, rất thuận lợi để triển khai dự án với dữ liệu sẵn có. Về tiến độ thực hiện cấp mới CMND, Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết đã cấp CMND mới hoàn thiện ở Hà Nội (2 quận, 1 huyện), Hải Phòng, tỉnh Hưng yên, Thái Bình. Trong năm nay hoàn thiện tại TP HCM, Tây Ninh, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa.
Thiếu tướng Vệ cũng cho hay, để tránh phiền hà cho người dân trong các giao dịch, CMND cũ vẫn sử dụng khi Luật được thông qua cho đến khi hết thời hiệu sử dụng (15 năm), khi hết thời hiệu thì sẽ tiến hành đổi CMND 9 số thành CMND mới để đỡ phiền hà cho nhân dân. Đặc biệt, Ban soạn thảo cũng xem xét sẽ giữ 9 số của CMND cũ này làm 9 số cuối của CMND mới để tránh lãng phí.
Ngoài nội dung thảo luận về sử dụng CMND cũ hay mới, các đại biểu cũng đồng tình giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho một Bộ duy nhất vừa tiến hành cập nhật vừa đồng bộ dữ liệu hộ tịch vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, vì 2 hệ thống này không thể tách rời nên đề nghị nhập Luật căn cước công dân trở thành một chương của Luật Hộ tịch nhằm đảm bảo tính thống nhất.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết, sau khi có ý kiến của các ĐBQH chuyên trách, ban soạn thảo Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục hoàn chỉnh lại để đưa ra Quốc hội để ĐBQH và cử tri yên tâm bấm nút thông qua luật căn cước công dân.