Mở rộng đối tượng áp dụngDự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trình Quốc hội đã mở rộng đối tượng áp dụng ra ngoài tổ chức, cá nhân kinh doanh và hiệp hội ngành nghề như hiện nay, sang áp dụng cả với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan. Băn khoăn về tính khả thi của quy định này, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng: Dự Luật mới chỉ điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh trong khi tên của luật là Luật Cạnh tranh. Do đó, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh cả cạnh tranh, hạn chế cạnh tranh và bổ sung, nêu rõ cạnh tranh là gì sau đó mới đến hành vi hạn chế cạnh tranh.
|
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: TTXVN |
Nhiều ý kiến nhận định, thay đổi này sẽ tạo cơ chế công bằng hơn cho tất cả các loại hình DN. Theo ĐB Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng), nếu không mở rộng đối tượng áp dụng sang với tổ chức, cá nhân nước ngoài, sẽ khó bảo vệ được kinh doanh trong nước, cũng như ngăn chặn hành vi chuyển giá của một số DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, các ĐB cũng nhận định, việc mở rộng đối tượng áp dụng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Cơ quan cạnh tranh của Việt Nam hợp tác với các cơ quan cạnh tranh các nước trong quá trình điều tra xử lý vụ việc liên quan đến cạnh tranh. Trường hợp Việt Nam chưa ký kết, hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan đến cạnh tranh, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong tố tụng cạnh tranh theo nguyên tắc có đi có lại, không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế.
Cơ quan quản lý cạnh tranh nên độc lậpMô hình nào và cơ quan quản lý cạnh tranh đặt ở đâu cũng là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm. Thống kê cho thấy, 12 năm kể từ khi Luật Cạnh tranh ra đời, mới có gần 70 DN bị điều tra, 8 vụ vi phạm hạn chế cạnh tranh bị xử lý. Tính trung bình, cơ quan chức năng phải mất 1,5 năm mới giải quyết được một vụ việc. Thời gian lâu, số lượng ít, cho thấy sự hạn chế trong thực thi của cơ quan quản lý.
Nhiều ý kiến cho rằng, phương án được Chính phủ đề xuất không giải quyết được bức xúc đang đặt ra trong giải quyết các vụ việc cạnh tranh. Việc thu gọn các đầu mối thành cơ quan Cạnh tranh quốc gia, nhưng trực thuộc Bộ Công Thương vẫn có bất cập. Theo ĐB Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An), để đảm bảo tính độc lập, tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi, cơ quan cạnh tranh quốc gia nên có vị trí độc lập thuộc Chính phủ, không thuộc Bộ Công Thương. Một số ĐB khác cũng cho rằng, cần gia tăng tính độc lập cho cơ quan quản lý cạnh tranh, tránh bị chi phối bởi Bộ chủ quản như hiện nay. Như vậy mới có thể xử lý được hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị thao túng bởi các DN thuộc các bộ, ngành có liên quan.
Việc Dự Luật này có xung đột với những luật chuyên ngành khác hay không cũng là vấn đề được đặt ra. Theo các ĐB, cạnh tranh là tất yếu, không nên hạn chế mà phải thúc đẩy cạnh tranh, Luật chỉ cấm các cạnh tranh không lành mạnh, không nên áp dụng hành chính, áp đặt. ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng: "Nhiều quy định mang tính định tính cần điều chỉnh, ví như cấm bán hàng hóa cung ứng dưới giá thành nhưng tôi nghĩ là chuyện bình thường, để loại bỏ đối thủ cũng là có thể chấp nhận được. Chỉ cấm DN đang thống lĩnh thị trường 30% trở lên mà những DN đó bán dưới giá thành phẩm mới đủ sức loại các DN khác. Còn nếu DN đó nhỏ thì bán dưới giá thành thì thoải mái".
Thảo luận tại tổ về việc bồi thường dự án sân bay Long Thành sáng 27/10, nhiều ĐB đề nghị công khai và thuyết minh rõ hơn việc hơn 1.000ha đất quốc phòng cho dự án. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, với 1.000ha đất quốc phòng dành cho sân golf Long Thành, cần làm rõ có cấp bách đến thế không, có cần toàn bộ diện tích đó không. Muốn giải tỏa phải có luận cứ, luận chứng, vì có thể tốn tới 4.000 tỷ đồng giải tỏa. |