Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư: Nhiều vấn đề cần làm rõ

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trong đó, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, hạn chế tối đa rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát là vấn đề được nhấn mạnh.
336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, tại Việt Nam, mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu được thực hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định 77-CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước. Tính đến thời điểm hiện tại có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, trong đó 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác.
 Dự án đường vành đai trên cao đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long. Ảnh: Chiến Công
Thông qua đó, huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Bên cạnh các kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, thực tiễn cũng cho thấy việc triển khai còn một số tồn tại, bất cập. Do đó, việc xây dựng Luật này là cần thiết.
Trong đó, liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư, Dự Luật đã thiết kế một chương riêng và chỉnh sửa một số nội dung để phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta và các kinh nghiệm trên thế giới.
Bổ sung hình thức đấu thầu hạn chế và phương thức đấu thầu “hai giai đoạn một túi hồ sơ” để phù hợp với dự án có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù hoặc chỉ có một số nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu của dự án.
Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, Dự Luật này sẽ là văn bản pháp lý thống nhất, điều chỉnh các nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư PPP. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định phạm vi điều chỉnh của Dự Luật rõ ràng hơn về không gian áp dụng.
Trong đó, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế.
Bảo đảm tính công khai, minh bạch trong đầu tư
Nhìn nhận đây là một Dự Luật không chỉ có tác động kinh tế sâu rộng, mà còn có tác động xã hội rất lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, vẫn còn hàng chục điều chưa được quy định rõ. Trong đó, tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề nghị “cái gì đã rõ thì mới luật hóa”, đồng thời không quên nhắc lại những hệ lụy do “phát triển quá nóng” hình thức đầu tư BOT và đề nghị tham khảo kỹ ý kiến các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý: Dự Luật này chỉ nên tập trung vào hai nội dung: Về DN dự án (DN được thành lập để thực hiện dự án PPP) và hợp đồng PPP.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng bày tỏ không đồng tình với cách quy định “nếu nội dung luật này khác với các luật khác thì thực hiện theo luật này”, bởi “đụng chạm” và khó khả thi.
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, cần đánh giá thêm trong thời gian thực hiện các dự án PPP đến nay hạn chế nào là lớn nhất và điểm nào để khắc phục được các hạn chế đó.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt vấn đề: Ví dụ như trong các dự án BOT, tại sao chỉ thu hút được vào lĩnh vực giao thông, không thấy các lĩnh vực khác, vậy có bất cập gì? Nghị quyết của Đảng đã nói tất cả các chính sách, quy định phải phù hợp với thông lệ quốc tế, vậy đề nghị làm rõ quốc tế làm BOT có bị rơi vào tình trạng này không…
Một số ý kiến đề xuất, cần tiếp tục rà soát các quy định khác tại Dự Luật, tránh tình trạng quy định chung chung như “theo quy định của pháp luật” gây khó khăn trong thực tế triển khai; không quy định lại những nội dung đã được quy định tại các luật khác, tránh trùng lặp, xung đột pháp luật.