Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Băn khoăn nội hàm liêm chính

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đang được thảo luận đã đưa ra nhiều vấn đề mới ở cả 3 nội dung phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Một điểm mới được chú ý nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn là xây dựng liêm chính trong hoạt động của các tổ chức, đơn vị và đưa nội dung này vào giáo dục trong trường học.
Chưa sát thực tế

Theo Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, đây là một chế định mới được quy định trong Dự Luật trên cơ sở tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của Luật hiện hành bao gồm: Quy tắc ứng xử; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; quy định về tặng quà và nhận quà tặng… Đồng thời, quy định việc không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng. Bên cạnh đó, Dự Luật cũng bổ sung thêm quy định mới về giáo dục liêm chính và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục. Đây được coi là nền tảng quan trọng trong việc hình thành, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó nhằm phòng ngừa tham nhũng trong xã hội.

Ảnh minh họa. 

Việc xây dựng chế định liêm chính trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác định là một trong những trụ cột quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo các ĐB, nội hàm liêm chính trong công tác phòng, chống tham nhũng và một số quy định về nội dung này trong Dự Luật lại chưa được làm rõ.

Theo ĐB Đỗ Văn Bình (đoàn Hải Dương), Dự Luật quy định mở rộng đến 21 đối tượng có quan hệ gia đình mà người đứng đầu, cấp phó không được tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí làm việc tại đơn vị, có thể hiểu là tăng cường giải pháp phòng ngừa. Nhưng theo ĐB, “có những người có quan hệ gia đình xa hơn không trong 21 đối tượng này nhưng lại có ảnh hưởng hơn với người đứng đầu và cấp phó thì vẫn thấy khó đảm bảo yêu cầu phòng ngừa. Ban soạn thảo cần xem xét làm rõ”.

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cũng nhận định, Dự Luật đã liệt kê hàng loạt các quy định về quy tắc ứng xử, những điều mà cán bộ công chức, viên chức không được làm. Những nội dung này vừa thừa nhưng lại vừa thiếu do đã lặp lại và lặp lại một cách không đầy đủ điều đã được nêu ở Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức.

Các ĐB cũng đề nghị bổ sung thêm cho rõ các điều về phòng ngừa tham nhũng như quy định về mức độ thanh liêm của cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo khách quan, trung thực, công khai, chịu trách nhiệm và trong sạch trong thực thi nhiệm vụ, góp phần phòng ngừa tham nhũng.

Giảng dạy sao cho phù hợp?

Đề cập đến quy định đưa thêm nội dung về liêm chính vào chương trình giảng dạy, ĐB Đỗ Văn Bình (đoàn TP Hải Phòng) cho rằng: Việc phổ biến giáo dục pháp luật trong đó có nội dung về phòng, chống tham nhũng là quan trọng trong việc xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống. Nhưng khi đưa thêm nội dung giảng dạy về liêm chính phải tính đến yếu tố quá tải. Do vậy, đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn sự cần thiết và đối tượng cần được giảng dạy, bồi dưỡng để đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Theo ĐB Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị), nếu đưa nội dung giảng dạy liêm chính vào chương trình giáo dục cho học sinh THPT, có thể tích hợp qua môn giáo dục công dân. Nhưng học sinh dưới 18 tuổi về mặt năng lực hành vi nhận thức là chưa đầy đủ như người trưởng thành, nên việc xây dựng nhân cách đạo đức, lối sống, văn hóa chống tham nhũng là quá sớm. Vì thế giáo dục liêm chính nên đưa vào các chương trình giáo dục ở bậc cao hơn, còn ở bậc THPT đưa các chương trình pháp luật bổ ích thiết thực với độ tuổi.

Cho rằng, cần làm rõ những nội dung “liêm chính” nào sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc về đối tượng được giảng dạy. Chỉ nên tập trung vào đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và những người thi tuyển ngạch công chức nhằm bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần