Cần cụ thể hơn quá trình tích hợp các loại quy hoạchĐa số ý kiến bày tỏ đồng tình cao với hướng tiếp cận, phạm vi điều chỉnh và những nội dung cơ bản của Dự án Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần phải được làm rõ để khi Luật Quy hoạch được thông qua có thể đạt được hiệu quả và khả thi nhất. Như Dự luật, sẽ không còn tên gọi quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) mà sẽ là quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy hoạch sẽ làm theo phương pháp tích hợp do Hội đồng Quy hoạch Quốc gia xây dựng. Hội đồng này sẽ tập hợp các ý kiến của tất cả các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quy hoạch.Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, Luật sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển KT - XH; đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường. Một trong những điểm mới quan trọng nhất của Dự luật là đặt tính thống nhất trong quản lý Nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực của quốc gia lên hàng đầu. Nội dung quy hoạch thời kỳ sau phải kế thừa những nội dung còn phù hợp của quy hoạch thời kỳ trước; nội dung của từng loại quy hoạch phải thống nhất, liên kết với nhau và được thể hiện trên hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch.Liên quan đến độ “vênh” nhất định giữa Dự án Luật Quy hoạch với Luật Đất đai hiện hành, GSTS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, quy hoạch sử dụng đất phải được xây dựng đồng thời với quy hoạch phát triển KT - XH. Dự luật cần có quy định cụ thể hơn về quá trình thực hiện tích hợp các loại quy hoạch, trong đó có quy hoạch sử dụng đất vào phương án quy hoạch tích hợp thống nhất. Trình tự, thủ tục của quá trình tích hợp phải được quy định rõ ràng, mô tả đầy đủ công việc của các cơ quan quản lý ngành, trong đó có cơ quan quản lý đất đai. Mặt khác, khung pháp luật về Quy hoạch sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai 2013 cũng cần được điều chỉnh trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.Được gì, mất gì?Với quan điểm “lĩnh vực quy hoạch cần có một luật khung”, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định: Khi quy hoạch được vận dụng trong công tác quản lý Nhà nước thì được gọi là “quy hoạch công” hoặc đơn giản là “quy hoạch” và cần được điều chỉnh bằng luật pháp. Dự án Luật Quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu này. Khi nhiều ngành hẹp có liên quan mật thiết với nhau và hình thành hệ thống ngành rộng thì chúng cần được lập quy hoạch phát triển chung một cách đồng bộ, để phát huy hiệu quả tối đa trong cùng một quy hoạch, gọi là “quy hoạch tích hợp”.Cho rằng cần định nghĩa quy hoạch nên làm chính xác lại, PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh cho rằng: Quy hoạch là việc phân bổ, tổ chức không gian các hoạt động KT - XH, dân cư, kết cấu hạ tầng xã hội và kỹ thuật, sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng trên phạm vi các cấp lãnh thổ cả nước, vùng, tỉnh và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững do Nhà nước đặt ra ở thời kỳ xác định.“Được gì, mất gì khi Luật Quy hoạch được thông qua ư? Cái mất là những bất cập, tồn tại, yếu kém của hệ thống quy hoạch lỗi thời hiện nay đang vận hành, đang tạo ra những đồ án quy hoạch “cọc cạch”, "đầu Ngô mình Sở". Cái được và cũng là cơ hội để chúng ta cải cách công tác quy hoạch cũ còn vương vấn bởi nền kinh tế quan liêu, bao cấp để chuyển sang thể chế quy hoạch tiên tiến, phù hợp với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” - ông Hanh khẳng định. Tại cuộc hội thảo, một số ý kiến cho rằng cần lưu ý là việc trùng lắp giữa cơ quan xây dựng và thẩm định quy hoạch khi Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT vừa là cơ quan chủ đạo trong lập và thẩm định các quy hoạch. Hội đồng thẩm định cũng không có sự tham gia của các chuyên gia, tổ chức khoa học độc lập. Điều này chưa đảm bảo tính khách quan, khoa học.