Dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường chưa cụ thể

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục phiên họp thứ 43, chiều 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần...

Kinhtedothi - Tiếp tục phiên họp thứ 43, chiều 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về Dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các quy định trong Dự án vẫn quá rộng, chưa cụ thể, khó đảm bảo tính khả thi.

Chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm

Theo tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Pháp lệnh này nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng đang gây bức xúc trong xã hội... Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận xét: Qua thẩm tra cho thấy, Dự án Pháp lệnh chưa rõ quy định về mô hình tổ chức của lực lượng quản lý thị trường, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi từ mô hình tổ chức phân tán hiện nay sang mô hình tập trung, thống nhất. Về bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng quản lý thị trường, các thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định, cán bộ quản lý thị trường bị thương hoặc hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ đề nghị được hưởng chế độ thương binh, liệt sỹ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp. 	Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông góp ý, cần tập trung làm rõ những thị trường nào cần quản lý, ưu tiên thị trường nào trong các thị trường đang tồn tại hiện nay chứ không nên quy định chung chung. Do đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền tự do kinh doanh của DN, người dân, nhưng rất nhiều chế tài lại giao Chính phủ quy định cụ thể thì không phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013, nhất là các biện pháp thanh, kiểm tra đặc biệt, thời hạn thanh kiểm tra… nhằm đảm bảo minh bạch. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và một số ý kiến khác cũng cho rằng, phải làm rõ phạm vi hoạt động kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường, nếu nói phạm vi “hoạt động thương mại” là quá rộng, bao gồm cả thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, có thể chồng chéo với chức năng quản lý Nhà nước về dịch vụ của các cơ quan khác.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Tôi hiểu đối tượng của quản lý thị trường là tất cả các hàng hóa lưu thông ra thị trường đều phải kiểm soát, kể cả là hàng văn hóa, sách vở, dược phẩm…, chỉ trừ một số hàng hóa đặc biệt như đất đai, chứng khoán, tiền tệ, lao động, còn như trong Dự án Pháp lệnh quy định, đối tượng là thương mại công nghiệp thì không biết đâu mà lần”. Chủ tịch Quốc hội góp ý, kiểm soát như thế nào đối với hàng hóa lại là chuyện khác và cần phải quy định rõ, đó là hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng có chứa chất cấm hoặc có hàm lượng không đúng quy định cho phép của pháp luật… chứ không phải kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh hàng hóa. Dự án Pháp lệnh phải quy định rõ thì mới khả thi khi thực hiện. Đội ngũ quản lý thị trường phải tinh thông nghề nghiệp, đặc biệt phải đề cao đạo đức nghề nghiệp. Không được đụng đến quyền tự do kinh doanh của người dân. “Bất cứ đâu là hàng hóa, lực lượng này có thể đến nhưng cũng trên nguyên tắc là phải phát hiện có dấu hiệu làm gian dối, sai phạm” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Điều chỉnh thuế suất với nhiều loại tài nguyên

Sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. Theo đó, ngoài một số tài nguyên giữ nguyên mức thuế suất hiện hành (bô xít, ni ken, nước mặt, yến sào thiên nhiên, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than), điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với nhóm khoáng sản kim loại, nhóm khoáng sản không kim loại, nhóm sản phẩm của rừng tự nhiên, nhóm nước thiên nhiên. Trong đó, khoáng sản kim loại và không kim loại có mức tăng thấp nhất là 2%, cao nhất 6%. Sau điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên tăng khoảng 3.177,8 tỷ đồng so với số thu năm 2014.

Riêng về nhóm gỗ rừng tự nhiên, Chính phủ đề nghị giảm mức thuế suất thuế tài nguyên với gỗ nhóm I từ 35% xuống 30%; gỗ nhóm II từ 30% xuống 25%; gỗ nhóm III, IV từ 20% xuống 18%; gỗ nhóm từ V - VIII và các loại gỗ khác từ 15% xuống 12%. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Đa số ý kiến trong Ủy ban không nhất trí đề xuất giảm mức thuế suất tài nguyên với gỗ rừng tự nhiên và đề nghị giữ nguyên như hiện hành, vì hiện nay các sản phẩm gỗ nhóm I, II... đều là các loại gỗ quý hiếm, chỉ có ở rừng tự nhiên. Chủ tịch Hội đồng Dân Tộc Ksor Phước cũng nhấn mạnh gỗ nhóm I, II, III khi khai thác sẽ ảnh hưởng đến các cây, hệ thực vật khác xung quanh. Thuế suất cao với các nhóm gỗ này là để không khuyến khích sử dụng.

 Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng phải có chính sách khuyến khích, đảm bảo mức sống để người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, nếu không rừng ngày càng cạn kiệt. “Tôi đi giám sát thấy người dân sống quanh vùng rừng nghèo xác xơ, còn tiền rơi vào túi ai không biết. Người ta sống với rừng mà không sống được từ rừng thì bằng cái gì? Còn việc quản lý không tốt là chuyện khác” - bà Mai nói. Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất giữ mức thuế suất thuế tài nguyên với gỗ nhóm I, II, III như hiện hành, các nhóm gỗ khác có mức giảm như tờ trình của Chính phủ.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với tổ chức thuế, tổ chức hải quan giai đoạn 2016 - 2020; Chi phí quản lý của BHXH Việt Nam, việc ngân sách Nhà nước chuyển kinh phí vào Quỹ BHXH bắt buộc.