Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Vành đai 2 tại Hà Nội thiếu một mảnh ghép quan trọng

Minh Tường/Giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đường Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đang dần thành hình, gần như đồng bộ toàn tuyến với cả đường trên cao và dưới thấp, đáp ứng nhu cầu kết nối trên một trong những trục giao thông quan trọng nhất của Hà Nội.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thiếu mảnh ghép Ngã Tư Sở - Cầu Giấy sẽ làm hạn chế không ít hiệu quả của Vành đai 2.

Kết nối không liền mạch
Trục đường Vành đai 2 của Hà Nội được quy hoạch theo lộ trình: Cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - đường Bưởi - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Võ Nguyên Giáp - đường Trường Sa - cầu Đông Trù - đường Lý Sơn - cầu chui Gia Lâm - đường Nguyễn Văn Linh - đường Đàm Quang Trung - cầu Vĩnh Tuy.
 Vành đai 2 còn đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy chưa được mở rộng đồng bộ.
Hiện toàn tuyến hình thành một trục giao thông có năng lực đáp ứng cực lớn với cả đường trên cao, dưới thấp và các cầu vượt sông hiện đại. Với dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang triển khai, kết nối từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ vô cùng thuận lợi. Đoạn tuyến từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đã có đường trên cao, đồng thời mở rộng tuyến đi thấp qua Trường Chinh, Minh Khai, năng cao mạnh mẽ năng lực lưu thông trong khu vực nội thành.
Tuy nhiên, Tiến sí giao thông đô thị Đặng Minh Tân cho rằng: “Đáng tiếc là Vành đai 2 chưa được kết nối liền mạch, vẫn còn thiếu một mảnh ghép quan trọng từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy. Đoạn tuyến này vẫn chưa đồng bộ, có thể hạn chế phần nào năng lực lưu thông của toàn tuyến”. Ông Đặng Minh Tân phân tích, từ khi đưa đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao: Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở vào hoạt động, hai nút giao lớn kể trên đã khiến không ít người lo ngại. Tốc độ thông hành trên tuyến thì cao nhưng lại bị nghẽn tại nút giao, gây ùn tắc giao thông. Khi đoạn tuyến Ngã Tư Vọng – cầu Vĩnh Tuy hoàn thành, sẽ chỉ còn một điểm nghẽn là Ngã Tư Sở. Nhưng điểm nghẽn này có thể chịu áp lực gấp đôi, gấp ba hiện nay, do lượng xe dồn đến từ cả hai phía Vành đai 2 sẽ nhanh và lớn hơn.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ: “Vành đai 2 trên cao là cao tốc đô thị, cho phép vận hành với tốc độ từ 60 - 80km/giờ. Đoạn tuyến dưới thấp hầu như đã được mở rộng hết nên việc “nghẽn mạng” tại khu vực Ngã Tư Sở - Cầu Giấy là nguy cơ hiện hữu, rất cần được giải quyết sớm”. Ông Vũ Hoàng Chung cho rằng, chỉ một đoạn tuyến ngắn này cũng có thể làm ảnh hưởng đến năng lực của toàn tuyến Vành đai 2, thậm chí là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc toàn bộ khu vực đô thị của các quận: Đống Đa, Thanh Xuân.
Bài toán khó
Hà Nội đã đưa đoạn tuyến Vành đai 2, Ngã Tư Sở - Cầu Giấy vào danh mục các công trình cần đầu tư, tuy nhiên, phương án xây dựng lại là bài toán không dễ tìm được lời giải.
Trên đoạn tuyến Vành đai 2, Ngã Tư Sở - Cầu Giấy hiện có một nhà ga của đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, một tuyến đường đi bộ ven sông Tô Lịch vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2019. Thạc sĩ Vũ Hoàng Cung cho rằng, đường trên cao sẽ là phương án tối ưu. “Nhưng đường trên cao sẽ phải cao hơn nhà ga Cát Linh, đặt chính giữa tâm đường Láng, hay phá bỏ đường đi bộ để đặt ra ven sông Tô Lịch? Những phương án này đều chưa có tính thuyết phục cao, hơn nữa chi phí sẽ rất lớn, các vấn đề kỹ thuật cũng cực kỳ khó giải quyết”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Đặng Minh Tân cho rằng: “Đoạn tuyến này đã có quy hoạch mở rộng mặt cắt đường dưới thấp từ 53 - 65m, đã cắm mốc chỉ giới. Trước mắt cứ mở rộng đường dưới thấp theo đúng quy hoạch đã rồi mới tính toán đến việc làm đường trên cao”. Ông Đặng Minh Tân phân tích, do đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy nằm trong khu vực nội đô, không cho phép xe tải lưu thông nên một lượng lớn xe tải sẽ không có nhu cầu đi qua. Nếu chỉ phục vụ ô tô chở người, xe cá nhân thì năng lực đoạn tuyến trên cao này sẽ không được khai thác hết, dẫn đến lãng phí.
Nhiều chuyên gia đồng quan điểm khi cho rằng, chưa cần tính đến việc xây dựng đường Vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy. Vì nếu đã đi trên cao thì phải đi vượt qua hết các cầu vượt: Ngã Tư Sở, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh, rất khó khăn về kỹ thuật. Thời gian tới, Hà Nội nên tập trung đầu tư mở rộng đường dưới thấp theo đúng quy hoạch, tổ chức giao thông hiệu quả tại nút giao Ngã Tư Sở; cùng với việc mở rộng đường Láng, năng lực thông hành qua nút sẽ được tăng lên mạnh mẽ, giảm thiểu ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, cũng cần song hành xây dựng các cầu, hầm đi bộ, hoặc kết hợp đi bộ với xe thô sơ để đảm bảo an toàn giao thông cũng như giảm thiểu những xung đột trên phần đường dành cho xe cơ giới.
Tiến sĩ Đặng Minh Tân nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là TP phải khơi thông được nguồn vốn cho dự án này. Đầu tư mở rộng, đồng bộ Vành đai 2 để khai thác tối đa năng lực. Cần đưa dự án này vào danh mục ưu tiên trong ngắn hạn”.