Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án xây chợ nguyên liệu gỗ xã Vân Hà, huyện Đông Anh: Phục vụ phát triển kinh tế

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căn cứ vào nhu cầu thực tế và nguyện vọng của Nhân dân muốn có chỗ ổn định buôn bán, UBND huyện Đông Anh kiến nghị và được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép xây chợ nguyên liệu gỗ xã Vân Hà. Tuy nhiên, khi triển khai dự án (DA) đã vấp phải sự phản đối của các hộ dân.

 Công trình vi phạm nằm trong khu đất thực hiện dự án xây dựng chợ nguyên liệu gỗ xã Vân Hà đang chờ bị xử lý.
Lợi ích kép
Vân Hà là một trong những địa phương có nghề buôn bán gỗ nổi tiếng của TP. Để sản phẩm làng nghề ngày một phát triển, UBND huyện Đông Anh đã làm tuyến đường nối các xã Việt Hùng, Liên Hà, Vân Hà, Dục Tú. Từ khi tuyến đường này hoàn thành, người dân đã bám lòng đường, vỉa hè tập kết, buôn bán gỗ khiến đoạn qua xã Vân Hà thường xuyên bị ùn tắc, tai nạn giao thông. Trong khi đó, người dân mong muốn chính quyền các cấp quan tâm xây chợ, giúp tiểu thương có điểm kinh doanh gỗ ổn định, không còn phải chịu cảnh nắng, mưa và nơm nớp lo sợ bị lực lượng chức năng xử lý do chiếm dụng vỉa hè, lòng đường.

Thể theo nguyện vọng của người dân và UBND huyện Đông Anh, ngày 20/10/2014, UBND TP đã có Quyết định số 5376/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 3191/QĐ-UBND ngày 17/6/2014 của UBND TP về việc phê duyệt danh mục DA có sử dụng đất công bố trí lựa chọn nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, trong đó có DA xây chợ nguyên liệu gỗ xã Vân Hà.
Qua đó, các sở, ngành liên quan đã hướng dẫn UBND huyện triển khai các bước theo quy định. Tiếp theo, UBND huyện Đông Anh giao cho Ban Quản lý DA thực hiện một số nhiệm vụ chuẩn bị thu hồi GPMB xây chợ. Để DA triển khai đảm bảo tiến độ, ngày 11/1/2016, UBND huyện có Quyết định số 42/QĐ-UBND phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện DA là Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam. Từ đó đến nay, UBND huyện triển khai các bước thực hiện DA xây chợ rộng 48.725m2 theo đúng quy định.

Triển khai đúng tiến độ

Ông Ngô Xuân Tiến - cán bộ Ban Quản lý DA huyện Đông Anh cho biết: Ban đã phối hợp với các cơ quan thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý từ việc thông báo quy hoạch, họp tuyên truyền chủ trương thực hiện DA, kiểm đếm, niêm yết công khai danh sách các hộ dân có đất bị thu hồi từ năm 2016 và được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Ngày 11/11/2016, UBND huyện có Quyết định số 4817/QĐ-UBND thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đồng thời tiến hành các bước chi trả bồi thường, hỗ trợ đến từng hộ dân. Tại thời điểm đầu năm 2017, đã có 216/257 hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, còn 41 hộ không đồng ý với chính sách đền bù, hỗ trợ nên chưa bàn giao mặt bằng.

Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh khẳng định, thực hiện DA xây dựng chợ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho chính người dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống. Đồng thời, thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, TP đã phê duyệt, ghi danh mục DA này nằm trong các DA thực hiện theo hình thức xã hội hóa, giao cho huyện là đơn vị mời thầu. UBND huyện đã triển khai tuần tự các bước theo quy định. Khi có thắc mắc, UBND huyện tổ chức tuyên truyền, giải thích, đối thoại với Nhân dân, nhưng đến nay còn 41 hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng để thực hiện DA.
Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ bản chất vấn đề. Trường hợp các hộ không chấp hành, UBND huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ, cương quyết xử lý theo quy định để bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thực hiện DA đúng tiến độ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh