Dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Thường Tín đang chờ thực hiện giải phóng mặt bằng để triển khai các hạng mục trong thời gian tới. Ảnh: Công Tâm |
Vướng mắc 8 trường hợp nằm trong dự ánNăm 1985, UBND huyện Thường Tín triển khai công tác GPMB xây dựng nhà văn hóa huyện tại xã Văn Phú, tuy nhiên, đến năm 1988, thị trấn Thường Tín được thành lập nên khu đất này thuộc địa bàn hành chính của thị trấn. Tại thời điểm năm 1985 - 1990, UBND huyện tổ chức GPMB và hoàn thành xong việc xây dựng công trình nhà văn hóa. Do giai đoạn này việc GPMB chưa dứt điểm nên vẫn để một số hộ dân sinh sống tại một số công trình cũ ở đây, trong đó có 3/8 hộ đã được giao, nhận đất tái định cư. Nhờ công tác quản lý xây dựng chặt chẽ nên thời gian qua 8 hộ nằm trong khu vực quy hoạch DA không được xây dựng công trình mới. Để bảo đảm quy định, ngày 20/5/1999, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có Quyết định số số 439/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch xây dựng thị trấn Thường Tín, trong đó có quy hoạch khu Trung tâm thể thao tại khu vực trên có tổng diện tích 9,76ha. Tiếp đó, ngày 20/7/2009, UBND huyện có Quyết định số 2813/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 DA Trung tâm Văn hóa Thể thao. Theo đó, khu vực này có 8 hộ gia đình (nguồn gốc sử dụng từ trước năm 1990 chưa tách hộ) sinh sống cùng gia đình các con, cháu sử dụng đất có nhà ở, vườn, ao. Cũng từ đó đến nay, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, GPMB thực hiện DA. Kết quả đã GPMB, giao được trên 8,77ha đất thực hiện DA, tuy nhiên, còn 0,99ha đất 8 hộ đang sử dụng.Công khai, minh bạch trong chính sáchĐể tiếp tục triển khai các hạng mục, gồm: Nhà truyền thống, nhà tập luyện, bể bơi, sân thể thao, cây xanh, ngày 9/9/2010, UBND TP có Quyết định số 4427/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư DA xây Trung tâm Văn hóa Thể thao (mở rộng quy mô DA xây Nhà văn hóa). Qua đó, UBND huyện có Quyết định số 3210/QĐ-UBND ngày 24/10/2012 và Quyết định 3367/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện DA trên khu đất hơn 9,7ha, tổng mức đầu tư 286 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 25/5/2016, Sở TN&MT có văn bản số 4587/STNMT-QHKHSDĐ hướng dẫn xác định ranh giới khu đất phục vụ GPMB.Qua đó, UBND huyện quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập, thẩm định, công khai phương án bồi thường với các hộ bị thu hồi đất. Mặc dù, UBND huyện đã nhiều lần tuyên truyền, vận động, tổ chức đối thoại nhưng các hộ vẫn không thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ, ngược lại còn có đơn gửi các cấp, ngành đề nghị xem xét bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện DA.Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, do thời điểm năm 1985 - 1990, quá trình triển khai DA địa phương thiếu quyết liệt trong công tác GPMB nên mặc dù 3/8 hộ đã được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng vẫn ở lại vị trí đất thực hiện DA. Mặt khác, quá trình triển khai DA thực hiện qua nhiều năm nên chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước đã có sự thay đổi. Đây là những khó khăn trong quá trình triển khai GPMB ở giai đoạn hiện nay.“Để DA triển khai được thuận lợi, ngày 16/3/2020, Sở TN&MT, Sở Tài chính và UBND huyện có tờ trình số 1941/TTrLN-STNMT-STC-HTT đề xuất với UBND TP giải quyết vướng mắc đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện DA. Qua đó, ngày 29/4/2020, UBND TP có Thông báo số 129/TB-VP thống nhất với đề xuất của liên ngành và giao cho các đơn vị liên quan hướng dẫn UBND huyện Thường Tín tổ chức thực hiện đảm bảo quyền lợi hợp pháp, sớm ổn định cuộc sống người dân” - ông Kiều Xuân Huy nói.