Dự báo của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, quý 4/2019 thị trường đón nhận nhiều thông tin thuận lợi hơn và VN-Index có thể vượt qua mốc 1.000 điểm.
Dòng vốn giao dịch từ quỹ đầu tư chứng lại trong quý 3. |
Khối ngoại bán ròng quý 3
Trong 9 tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chịu tác động của khá nhiều yếu tố hạn chế thị trường, như: Diễn biến phức tạp của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Sau khi cảnh báo Trung Quốc từ đầu tháng 8 về tiến độ thực hiện các cam kết thương mại, Hoa Kỳ chính thức áp dụng chính sách thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, tăng thêm 112 tỷ USD giá trị hàng hóa chịu mức thuế suất tự vệ 15% bắt đầu từ ngày 1/9. Phía Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế 5 - 10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ, áp dụng theo 2 giai đoạn, từ 1/9 và từ 15/12.
Bởi những yếu tố trên, quý 3 khi Mỹ - Trung leo thang căng thẳng thương mại, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã bán ròng qua kênh khớp lệnh trên HOSE. Nếu như đầu năm khối ngoại tích cực mua ròng, thì diễn biến này đã đảo chiều trong những tháng cuối quý 3.
Cụ thể, riêng quý 3, khối ngoại bán ròng 556 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên sàn HOSE. Tính thêm giao dịch qua kênh thỏa thuận, NĐTNN vẫn mua ròng nhẹ 64 tỷ đồng. Cổ phiếu PLX dẫn đầu top mua ròng của khối ngoại với 1.470 tỷ đồng, đứng sau là các mã VIC, AST, BID, NVL. Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là mã HPG, với giá trị bán ròng 814 tỷ đồng, đứng sau là VRE bán ròng trên 420,6 tỷ đồng.
Dòng vốn giao dịch từ quỹ ETF cũng chững lại ở giữa năm. Cụ thể, các quỹ VFM VN30, Van Eck ETF và DB FTSE có xu hướng mua ròng được duy trì từ đầu năm đến hết quý 2. Bước vào quý 3 giao dịch của nhóm này chậm dần và đảo chiều xu hướng bán ròng trong quý 3. Giá trị bán ròng là 1.190 tỷ đồng trong quý 3, riêng tháng 9 bán ròng 280 tỷ đồng.
Quy mô bán ròng của các quỹ trong quý 3 không phải là quá lớn, nhưng theo phân tích của chuyên gia, đây là dấu hiệu thay đổi chiến lược đầu tư trên toàn cầu theo hướng rời bỏ các tài sản rủi ro, chuyển sang các tài sản an toàn trong bối cảnh chiến tranh thương mại phức tạp và triển vọng tăng trưởng kinh tế giảm sút. Những tài sản an toàn như trái phiếu Mỹ, vàng, đồng Yên Nhật đều lên giá.
Thanh khoản và chỉ số VN-Index trong quý 3 vẫn tăng trưởng nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng và một sỗ mã vốn hoá lớn trên HOSE. |
Cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng tốt
Chịu tác động của các yếu tố kể trên nên VN-Index diễn biến giằng co trong quý 3, tuy nhiên chỉ số đóng cửa phiên cuối tháng 9 (30/9) tại mức 996.56 điểm, tăng thêm 4,91%. Chỉ số VN30-Index tăng 6,78%, đạt 922.89 điểm. Nhóm cổ phiếu VN30 vẫn ghi nhận mức tăng tốt hơn VN-Index nhờ tỷ trọng đóng góp cao hơn của các cổ phiếu MWG và FPT, với mức tăng tương ứng 36% và 29%.
Cùng với đó là nhóm cổ phiếu trụ cột trên sàn HOSE cũng có đóng góp tích cực. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, TCB, BID, CTG tăng trên 3%. Riêng mã VCB liên tục lập đỉnh mới tăng 16,45% so với thời điểm cuối quý 2. Cùng với đó các mã VHM, GAS, VNM, .. cũng tăng tốt hỗ trợ VN-Index.
Nguyên nhân chính giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng tích cực đó là: Chính sách cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương. Trong đó có Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed); Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)… và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định hạ lãi suất điều hành từ ngày 16/9, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát và tỷ giá được kiểm soát tốt.
Nhờ đó, thanh khoản trên quý 3 vẫn tăng trưởng 10,3% so với quý trước. Bình quân mỗi phiên giao dịch trên sàn HOSE đạt 4.160 tỷ đồng, tăng thêm 9,8% so với quý 2, trong đó đóng góp chủ yếu qua kênh khớp lệnh, tăng 11,2%.
Quý 4, nhiều thông tin hỗ trợ tích cực thị trường
Về mặt vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt danh mục DN thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Tổng cộng có 93 doanh nghiệp nằm trong danh mục phê duyệt, gồm có các doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam như: Agribank, VICEM, Vinachem, VNPT, Mobifone… Những DN này khi cổ phần hóa hứa hẹn mang lại cho thị trường chứng khoán chất lượng hàng hoá khá tốt.
Những yếu tố tích cực đã tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam ngay đầu phiên sáng 14/10. Chỉ số VN-Index đã tăng mạnh áp sát mốc 1.000 điểm, tạm đứng phiên sáng 14/10 ở mốc 995,67 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang tăng giá và thanh khoản tốt trên HOSE. Đây là tín hiệu tích cực của thị trường. |
Đặc biệt, ngày 27/9, FTSE Rusell đã công bố kết quả phân loại thị trường năm 2019, theo đó Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm Frontier Markets, đồng thời thuộc danh sách theo dõi nâng hạng lên Emerging Secondary cho các kỳ đánh giá tiếp theo.
Giới tài chính toàn cầu đang đón chờ quyết định của Fed trong 2 cuộc họp cuối năm 2019 là tháng 10 và tháng 12/2019. Nếu đúng như dự báo kỳ trước, có thể Fed sẽ có thêm 1 lần cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Như vậy, cổ phiếu của các ngành tài chính, ngân hàng tiếp tục tăng trưởng.
Mối lo ngại rủi ro lớn nhất toàn cầu đó là 2 sự kiện đàm phán thương mại Mỹ - Trung và Brexit không thoả thuận đã phần nào được giải tỏa.
Cuối tuần trước, Mỹ - Trung đã nối lại đàm phán thương mại và ký kết một phần thỏa thuận trong các lĩnh vực nông sản, công nghệ (trừ vấn đề của Huawei giải quyết sau) và tài chính tiền tệ. Mỹ cũng hoãn nâng thuế như dự kiến kể từ 15/10 đối với các mặt của Trung Quốc.
Cũng vào thời điểm cuối tuần qua, Thủ tướng Anh đã đệ trình lên Liên minh châu Âu (EU) bản yêu cầu về Brexit. Bản yêu cầu này đã được EU xác nhận và cho xem xét vào tuần này. Dự báo của thị trường có khả năng Brexit sẽ diễn ra có thoả thuận và Anh chính thức rời EU trong vòng 20 ngày tới.
Như vậy, với những yếu tố thuận lợi kể cả trong nước và quốc tế, các chuyên gia và Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI dự báo quý 4/2019 thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hoạt động sôi động và VN-Index có thể vượt lên và bỏ xa mốc 1.000 điểm.