Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 13,34%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 5,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,97%.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, tăng trưởng kinh tế cao trong những quý đầu năm giúp giảm đáng kể áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm. Xuất khẩu và giải ngân đầu tư nước ngoài tăng khá ổn định, giúp bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được Ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM cho rằng, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý IV có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường, do còn phụ thuộc vào khả năng đàm phán thương mại (và kết quả, nếu có) giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như độ nhất quán chính sách của Mỹ sau bầu cử giữa kỳ.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể vấp phải những hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu ở các thị trường Mỹ và Trung Quốc; Việt Nam có thể phải chịu nhiều sức ép hơn do sự “đổ bộ” của hàng hóa Trung Quốc và tác động có thể phức tạp hơn ở thị trường tài chính…
Bên cạnh đó, thị trường tài chính thế giới nói chung và các thị trường mới nổi trở nên dễ bị tổn thương hơn trước xu hướng gia tăng bảo hộ và biến động của dòng vốn đầu tư. Tiếp đến là các nền kinh tế chủ chốt chưa công khai can thiệp trực tiếp vào chính sách tỷ giá. Ngoài ra, tiến triển trong quá trình đàm phán/phê chuẩn một số hiệp định thương mại tự do mới (RCEP, CPTPP, EVFTA) có thể củng cố niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
TS.Lê Đình Ân – nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội Quốc gia thì cho rằng, chất lượng tăng trưởng thay đổi chưa đáng kể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào FDI, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vẫn rất thấp. “Vấn đề là làm thế nào để thúc đẩy thêm sự chuyển biến về chất chứ không chỉ về lượng. Mà chất lượng tăng trưởng phụ thuộc vào tái cơ cấu kinh tế”, TS.Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển lưu ý.
Một lần nữa, thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động lại được đưa ra. TS Nguyễn Đình Cung khuyến nghị: Cần tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động. Song song với các biện pháp kinh tế vĩ mô, CIEM cho rằng, cần thực hiện một số biện pháp liên quan như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả, tiền lương, chính sách FDI...