Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự báo khí tượng thủy văn: Nhiều hạn chế cần khắc phục

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, các bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) Quốc gia có độ tin cậy cao, nhất là đối với các hiện tượng thời tiết, thiên tai nguy hiểm. Tuy nhiên, công tác dự báo vẫn còn hạn chế nhất định.

Hệ thống hội thảo trực tuyến về dự báo bão và thời tiết hằng ngày của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, 5 năm qua, Trung tâm đã theo dõi và dự báo sát với thực tế và kịp thời 121 đợt không khí lạnh; cảnh báo kịp thời 21 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); 48 cơn bão; dự báo sát 88 đợt nắng nóng. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã theo dõi và dự báo 113 đợt mưa lớn diện rộng... Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, đã có một số dự báo chưa chính xác, các địa phương còn bị động trong phòng tránh hoặc ngược lại, một số dự báo về bão khiến công tác chuẩn bị của các địa phương như huy động nhân lực, vật lực, phương án sơ tán… trở nên quá mức, lãng phí.
Lý giải vấn đề này, TS Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Quốc gia, cho biết, khi bão còn trên biển, chúng ta không có trạm quan trắc bề mặt, chỉ dựa vào duy nhất số liệu vệ tinh và dự báo của mô hình. Chỉ khi bão cách bờ 200 - 300km, khoảng 1 - 2 ngày trước khi đổ bộ, chúng ta mới có số liệu quan trắc về bão và cho phép đưa ra dự báo tin cậy hơn. Quy mô của bão thường rất rộng và trong vùng hoàn lưu bão thì bất kỳ khu vực nào cũng có thể xảy ra gió mạnh hoặc gió giật mạnh hoặc mưa lớn hoặc cả ba thiên tai này.
TS Hoàng Đức Cường cũng cho rằng, độ chính xác của dự báo phục thuộc vào 4 yếu tố cơ bản: Thứ nhất, phụ thuộc tính khó dự báo của các thiên tai KTTV vì chúng luôn có sự biến động mạnh trong khí quyển. Thứ hai là thông tin, số liệu quan trắc. Thứ ba, các công cụ, mô hình tính toán, dự báo. Thứ tư là nguồn nhân lực trình độ cao, yếu tố con người. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu làm cho các hiện tượng cực đoan KTTV trở nên bất thường và khó dự đoán hơn. “Ứng phó với thiên tai thực chất là bài toán quản lý rủi ro. Chúng ta cần đưa ra tất cả các khả năng có thể xảy ra để sẵn phương án ứng phó. Đây chính là phương châm “chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất”- TS Hoàng Đức Cường phân tích.

TS Hoàng Đức Cường cho biết, công tác dự báo phục vụ những năm gần đây đã từng bước được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, kể cả trong phòng chống thiên tai và ứng dụng thông tin vào sản xuất hàng ngày của các cơ quan, ngành, địa phương. Ví dụ, các dự báo, cảnh báo trước 3 - 5 ngày đối với bão/ATNĐ đã giúp cho công tác ứng phó trên biển tốt. Các dự báo mưa lũ lớn, không khí lạnh, nắng nóng gay gắt cũng đạt yêu cầu phòng chống. Tuy nhiên, theo TS Hoàng Đức Cường, đến nay một số thiên tai có quy mô nhỏ, diễn nhanh trong phạm vi hẹp thì độ tin cậy vẫn chưa được cao như lốc, mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất. Hạn chế này không chỉ ở Việt Nam mà cũng đang là vấn đề của các nước trên thế giới, kể cả các nước có nền khoa học công nghệ phát triển.