Đến đầu giờ sáng 14/9 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 đứng ở mức 70,39 USD/thùng, tăng 0,20 USD/thùng trong phiên. Giá dầu Brent giao tháng 11/2021 đứng ở mức 73,64 USD/thùng, tăng 0,13 USD/thùng trong phiên.
Nhận định của các chuyên gia, giá dầu ngày 14/9 tăng nhẹ khi mà nhu cầu tiêu thụ dầu thô được nhận định vẫn trên đà phục hồi.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 13/9 đã công bố báo cáo hàng tháng về thị trường dầu thô, trong đó dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ vượt mức trước đại dịch Covid-19 vào năm 2022 nhờ nỗ lực tiêm vaccine và sự phục hồi kinh tế.
Theo OPEC, nhu cầu dầu thô sẽ tăng trung bình 4,2 triệu thùng/ngày trong năm 2022, cao hơn 0,9 triệu thùng/ngày so với các dự báo trước đó, đưa nhu cầu dầu thô toàn cầu trung bình lên 100,83 triệu thùng/ngày vào năm 2022.
Nhận định trên được OPEC đưa ra trong bối cảnh OPEC và các đối tác (hay còn còn là OPEC+) vẫn đang thực hiện lộ trình tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng từ nay đến cuối năm 2021.
“Thẻ xanh Covid-19” ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng cho các hoạt động lưu thông hàng hoá, đi lại của người dân, cũng như các dịch vụ khác của nền kinh tế khiến giá dầu hôm nay được thúc đẩy mạnh.
Một yếu tố không kém phần quan trọng, giá xăng dầu hôm nay tiếp tục được hỗ trợ bởi sự gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Vịnh Mexico. Trong ước tính mới nhất, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho rằng, bão Ida đã khiến dự trữ dầu của Mỹ giảm khoảng 30 triệu thùng, qua đó tạo sự thiếu hụt lớn trong ngắn hạn đối với thị trường dầu thô Mỹ.
Ngoài ra, sự thiếu hụt hàng hóa tại nhiều nước châu Âu và Mỹ có thể là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất, cung cấp ở khu vực châu Á tăng cường sản xuất, kết nối các chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hoá, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong đó có dầu thô.