Dự báo thị trường vật liệu xây dựng quý IV/2021: Giá cát sẽ tăng nhẹ 3 - 5%

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Viện Kinh tế Xây dựng cho biết, do các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long phải thực hiện giãn cách từ tháng 5/2021, nên giá cát xây dựng sẽ tăng nhẹ 3 - 5% trong quý IV/2021.

 Giá cát xây dựng được dự báo sẽ tăng nhẹ 5 - 10%. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)

Báo cáo nghiên cứu của Viện Kinh tế Xây dựng mới đây cho biết, giá cát xây dựng tại 6 khu vực thị trường trên cả nước trong quý III/2021 về cơ bản ổn định không có sự tăng giá bất thường. Việc có sự biến động được các chuyên gia đánh giá do các địa phương thực hiện phòng chống dịch theo Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16 của Chính phủ.
Các địa phương tại khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long phải thực hiện giãn cách từ tháng 5/2021, nên giá cát xây dựng giảm từ 6 - 20% so với quý II/2021. Các chuyên gia của Viện Kinh tế Xây dựng dự báo quý IV/2021, các hoạt động khai thác cát, đá triển khai tiếp tục trên cả nước, lượng cung sẽ tăng, giá cát sẽ tương đối ổn định, chiều hướng tăng nhẹ 3 - 5%.
Về phần giá thép, trong nước tăng nhanh cùng thế giới và khu vực từ quý IV/2020 đến tháng 05/2021. Tuy nhiên, đến đầu tháng 7/2021, nhu cầu giảm khi thời tiết bước vào mùa mưa, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều công trình phải ngừng thi công do lệnh giãn cách xã hội và sự cạnh tranh lớn từ các nhà sản xuất thép hàng đầu trong nước, giá thép trong nước quý III/2021 giảm nhẹ 5 - 10%.
3 tháng cuối năm 2021 khi dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng 9, các hoạt động xây dựng được phép triển khai tiếp tục trên cả nước, các chuyên gia dự báo lượng cầu sẽ tăng trong quý IV/2021, do nguồn cung đáp ứng nên giá thép ổn định và hình thành mặt bằng giá mới.
Về giá bán xi măng trong quý III/2021, do nguồn cung luôn đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nên giá xi măng cơ bản ổn định so với quý II/2021. Theo báo cáo của Viện Kinh tế xây dựng cho biết, nguyên nhân tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa giảm là do tác động của đại dịch Covid-19, trong bối cảnh các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công trình xây dựng phải tạm dừng hoạt động.
Bên cạnh đó, việc giá các nguyên liệu không ngừng leo thang trong thời gian qua cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Dự báo giá bán xi măng trong quý IV/2021, khi các hoạt động xây dựng được triển khai tiếp tục trên cả nước, lượng cầu sẽ tăng và giá xi măng ổn định trên cả ba khu vực Bắc, Trung, Nam.
Với những dự báo trên, Viện Kinh tế xây dựng kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục có văn bản đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật giá vật liệu xây dựng bám sát diễn biến giá thị trường với tần suất từng tháng (đặc biệt là các TP trực thuộc trung ương như TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), sớm báo cáo ảnh hưởng của việc giá vật liệu xây dựng đến công tác quản lý đầu tư xây dựng tại địa phương.
Bên cạnh đó, Viện Kinh tế xây dựng cũng kiến nghị Bộ Xây dựng cần có những biện pháp và cơ chế để kiểm soát chi phí đối với các dự án đang chịu ảnh hưởng tăng giá của vật liệu xây dựng, nhằm chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.