Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự báo và niềm tin

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được dự báo từ vài ngày trước là cơn bão mạnh, diễn biến rất phức tạp, khi vào đất liền kéo theo gió giật cấp 13 nhưng cuối cùng tối 10/11, ngay khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, bão số 6 lại suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, người dân các tỉnh ven biển cùng hàng nghìn phương tiện được huy động sẵn sàng ứng phó nhưng bão đổ bộ vào đất liền không mạnh như dự kiến.
Trong mấy ngày qua, sau khi có những thông tin dự báo của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn về diễn biến của cơn bão số 6, từ Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho đến các bộ, ngành, địa phương đều hối hả, tập trung hết sức cho công tác ứng phó với bão.
Đơn cử, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với bão số 6 tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên và Khánh Hòa… Đặc biệt, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã huy động hơn 250.000 cán bộ chiến sĩ, 2.300 phương tiện để túc trực, sẵn sàng ứng phó.
Cùng với đó, các địa phương Trung Bộ và Tây Nguyên cũng rốt ráo tổ chức trực ban, di dời tàu thuyền, tài sản… để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra,
Dù việc bão số 6 không đổ bộ vào đất liền với cấp mạnh như dự báo là điều may mắn, nhưng nhiều địa phương, người dân cảm thấy mệt mỏi vì vẫn còn nhiều sai số trong dự báo. Trong khi đó, điều quan trọng nhất là việc dự báo lượng mưa sau hoàn lưu của bão lại chưa sát và kịp thời. Thực tế, trong hai ngày qua, tại nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, gây ngập lụt nặng, thiệt hại đáng kể về tài sản và hoa màu.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên cơ quan dự báo khí tượng dự báo chưa sát diễn biến của các cơn bão đổ bộ vào nước ta. Trước đó, hồi tháng 9/2018, khi siêu bão Mangkhut đi vào Biển Đông, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã đưa ra kịch bản dự báo đến 70 - 80% khả năng siêu bão này sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ, ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa. Nhưng thực tế, siêu bão Mangkhut đã đổ bộ vào đất liền Trung Quốc và suy yếu nhanh. Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng nhẹ ở tỉnh Quảng Ninh và khu vực miền núi phía Bắc.
Hay như hồi tháng 10/2017, trong các dự báo phát đi đều cho biết, bão số 11 là cơn bão mạnh, có thể tăng cấp lên cấp 12, giật cấp 15. Áp lực đến nỗi, các tỉnh từ Quảng Ninh tới Quảng Ngãi đã phải cấm ngư dân ra khơi. Kết quả, sáng 16/10/2017, sau khi vượt qua khu vực phía Nam bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), bão số 11 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Dự báo mưa bão để chủ động phòng tránh là điều rất cần thiết nhưng phải sát tình hình để các địa phương và bà con Nhân dân tránh tâm lý chủ quan. Đành rằng, công nghệ dự báo khí tượng thủy văn cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác này của Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định. Thêm vào đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ và Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu khiến cho công tác dự báo mưa bão thêm phần khó khăn.
Bởi vậy, qua những sự việc trên, ngành dự báo khí tượng thủy văn cần nghiêm túc nhìn nhận lại và có biện pháp nâng cao năng lực dự báo, sát với thực tiễn hơn. Khi dự báo chuẩn, chắc chắn người dân sẽ không còn tâm lý chủ quan ứng phó với bão và hậu quả do mưa bão gây ra sẽ giảm đi rất nhiều.