Dự cảm phục hồi kinh tế Việt Nam

TS. Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các kịch bản phục hồi kinh tế hậu Covid -19 đang được xúc tiến xây dựng ở các cấp ngành, địa phương và quốc gia dựa theo giả định thời gian kết thúc dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, một tư duy mới về sống chung với dịch bệnh cần được hình thành và đòi hỏi năng lực thích nghi mới của cả bộ máy quản lý, cộng đồng DN, cũng như từng người dân.

Áp lực và thách thức chưa từng có…
Đại dịch Covid -19 là thảm họa và thách thức y tế, cũng như tạo áp lực quản lý xã hội và phát triển kinh tế chưa từng có cho cộng đồng các nước, các DN trên toàn thế giới, cũng như cho Việt Nam. Những hệ lụy tiêu cực của đại dịch ngày càng sâu đậm và toàn diện, gia tăng cùng sự kéo dài thời gian lan rộng và năng lực kiểm soát, khống chế dịch bệnh này cả ở cấp vĩ mô và vi mô.
Trong quý I/2020, phản ánh xu hướng khó khăn chung của các nước trên thế giới, gắn với đại dịch Covid -19, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tổn thất, khó khăn hơn so cùng kỳ năm trước. Một mặt, tăng lạm phát, thất nghiệp và số DN dừng hoạt động, phá sản; dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch lên đến khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động ngân hàng…
 Do ảnh hưởng bởi dịch Covid, nhiều DN đang gặp khó khăn. Trong ảnh: Một xưởng may mặc tại huyện Đông Anh chuyển sang sản xuất khẩu trang trong mùa dịch. Ảnh: Chiến Công
Mặt khác, lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số DN đăng ký thành lập mới; đồng thời, giảm lượng du khách quốc tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, số vốn FDI tăng thêm và vốn góp và mua cổ phần. Thu NSNN cũng giảm sút, trong khi nhiệm vụ chi đột xuất cho chống dịch bệnh này ngày càng tăng lên. Đặc biệt, tăng sự đứt gãy và gián đoạn một số chuỗi cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra của một số mặt hàng, ngành chủ lực của Việt Nam đang chịu phụ thuộc cao vào thị trường bên ngoài.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam quý I/2020, có mức tăng trưởng 3,82% GDP, dù là mức thấp nhất trong 11 năm qua nhưng lại là con số cao nhất trong số các nước bị ảnh hưởng bởi dịch. Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao cả về năng lực đối phó với đại dịch Covid -19 và nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, DN. 
Dự cảm triển vọng kinh tế thời gian tới
The IMF, những tổn thất do dịch Covid -19 gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020 thậm chí có thể nhiều hơn năm 2009. Kinh tế toàn cầu có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng âm và sẽ đòi hỏi một cách phản ứng chưa từng có tiền lệ. Hiện tại, Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội 2020; dù vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng GDP cả năm 2020 tăng trưởng 5% đã là một thành công.
Theo dự báo được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 3/4, năm 2020 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chỉ còn 4,8%; lạm phát ở mức 3,3%, và tiếp tục tăng lên 3,5% năm 2021. Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Sản xuất phụ kiện xe máy tại một công ty trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Công Hùng
Động lực tăng trưởng của nền kinh tế vẫn là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động. Môi trường kinh doanh trong nước vẫn đang được cải thiện, nhưng cần cải thiện chính sách để hỗ trợ hệ thống đổi mới sáng tạo. Ngày 8/4/2020, tổ chức Fitch Ratings (Fitch) thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và điều chỉnh triển vọng sang ổn định.
Trước mắt, tình hình kinh tế - xã hội sẽ còn nhiều khó khăn. Đại dịch Covid -19 tác động tiêu cực làm giảm cả tổng cung và tổng cầu của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Vì vậy, các nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ kinh tế cần có cho mỗi quốc gia hậu dịch Covid- 19 đều sẽ tập trung vào cả hai nhóm giải pháp đồng bộ để tăng liên kết, chống đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cả tổng cung và tăng tổng cầu xã hội.
Đặc biệt, cần nhận diện và làm thay đổi trong tư duy, cũng như phương thức quản lý nhà nước, quản trị DN, kể cả trong cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô theo một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”. Theo đó, cần gia tăng các hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống, giảm thiểu sự gián đoạn khi “giãn cách xã hội”.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các kịch bản phục hồi kinh tế hậu Covid -19 đang được xúc tiến xây dựng ở các cấp ngành, địa phương và quốc gia dựa theo giả định thời gian kết thúc dịch Covid-19. Tuy nhiên, một tư duy mới về sống chung với dịch bệnh cần được hình thành và đòi hỏi năng lực thích nghi mới của cả bộ máy quản lý, cộng đồng DN cũng như từng người dân. Không phải là tiềm lực tài chính, mà chính sự linh hoạt thích ứng với thị trường và bối cảnh mới với yêu cầu áp dụng công nghệ một cách nhanh nhạy, tăng cường hoạt động thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số và làm việc từ xa; sắp xếp lại các chuỗi cung ứng toàn cầu và hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước.
Đặc biệt, dù bất luận kịch bản nào, Việt Nam cũng cần tiếp tục và đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ những thủ tục gây chậm trễ, rườm rà. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ giải ngân 700.000 tỷ đồng đầu tư công trong năm 2020; áp dụng các công nghệ mới và kiểm soát tình trạng độc quyền, lợi ích nhóm; nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương.
Chính sách tiền tệ cần cụ thể, quyết liệt hơn, với những giải pháp được làm rõ hơn trên tinh thần ngành ngân hàng đồng hành DN qua việc hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất, giảm lợi nhuận của các ngân hàng thương mại để bù đắp một phần cho DN. Khai thác tốt các cơ hội mới từ các Hiệp định Thương mại tự do, tổ chức thực hiện tốt thị trường trong nước 100 triệu dân. Đồng thời, tập trung phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước… Từ đó, khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, hỗ trợ nâng cao năng lực các DN thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai; phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước…

Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực làm giảm cả tổng cung và tổng cầu của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Vì vậy, các nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ kinh tế cần có cho mỗi quốc gia hậu dịch Covid - 19 đều sẽ tập trung vào cả hai nhóm giải pháp đồng bộ để tăng liên kết, chống đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cả tổng cung và tăng tổng cầu xã hội.