70 năm giải phóng Thủ đô

Đủ căn cứ khởi tố về tội xâm phạm chỗ ở công dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến nay, vụ xiết nhà ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã qua hơn 2 tuần. Nhưng, cả chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật của quận Cầu Giấy vẫn "ngơ ngác" tin rằng đây là vụ tranh chấp dân sự và phó mặc cho các bên tự giải quyết theo cách của riêng mình, có thể đúng pháp luật và cũng có thể vi phạm pháp luật.

 
 
Nếu như phía gia đình nạn nhân là ông Lê Đình Thám lựa chọn cách yêu cầu pháp luật bảo vệ thì ngược lại, Nguyễn Đức Tiến hành xử theo cách "vừa phạm tội, vừa la làng". Từ ngày 4/12, Tiến cùng hơn chục người khác xông vào chiếm giữ chỗ ở của gia đình ông Thám, đe dọa, uy hiếp, ép buộc người trong nhà phải ra ngoài, làm cho những người vắng nhà không dám quay về nơi ở cũ. Đồng thời với hành vi xâm phạm chỗ ở, Tiến còn gửi đơn đến nhiều cơ quan tố ngược nạn nhân đã "cướp" nhà của mình.

Khi mục tiêu chiếm giữ nhanh gọn toàn bộ ngôi nhà không thành, Tiến liền thay đổi thủ đoạn, bằng cách đưa phụ nữ, trẻ em và đồ đạc vào nhà để chiếm giữ một phần chỗ ở, bao gồm trọn vẹn tầng hai ngôi nhà. Một số luật sư  khi được hỏi đều khẳng định rằng, hành vi này của Nguyễn Đức Tiến cùng nhiều đối tượng có tiếng trong xã hội đen đã hội đủ dấu hiệu cấu thành tội xâm phạm chỗ ở công dân (có tổ chức) theo Khoản 2, Điều 124 Bộ luật Hình sự.

Trong bộ sách "Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự" của Thạc sĩ Luật học Đinh Văn Quế  (Tòa án Nhân dân tối cao) thì, chỗ ở của công dân là một khái niệm rất rộng. Nó không chỉ là nhà ở được sở hữu hợp pháp, mà có thể là nhà đi thuê, mượn, có thể là một túp lều, một chỗ ở gầm cầu, bến tàu, bến xe, vỉa hè đối với những người sống lang thang cơ nhỡ... Thậm chí, cả những trường hợp tranh chấp đã được tòa án ra quyết định phân xử bằng bản án, nhưng nếu đang trong thời hạn khiếu nại theo luật định, thì đó vẫn là chỗ ở bất khả xâm phạm được pháp luật công nhận và bảo vệ. Sự nhất quán này được thể hiện rõ ràng tại Điều 73, Hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001; sau đó được cụ thể hóa bằng các chế tài xử lý đối với hành vi phạm tội quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng các cấp chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật của quận Cầu Giấy không làm tròn nhiệm vụ và chức trách được giao?

Trong khi dư luận nóng lòng chờ đợi câu trả lời từ phía cơ quan chức năng quận Cầu Giấy, nhiều hậu quả không mong muốn đã xảy ra. Đó là tình hình an ninh trật tự từng ngày qua trên địa bàn đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp.

Theo thông tin mới nhất từ Công an quận Cầu Giấy, trong vụ xiết nhà ở phường Nghĩa Đô đã xuất hiện thêm một "đối tác" góp vốn cùng "mua nhà" với Nguyễn Đức Tiến. Người này có biệt danh là Chính "cối" đã dùng danh nghĩa của một pháp nhân góp 2,5 tỷ đồng cho Nguyễn Đức Tiến trả tiền mua nhà và sang tên "sổ đỏ". Chính "cối" cũng dẫn theo nhiều "nhân viên" công ty là những thương binh cùng tham gia vào việc xiết nhà.

Trước đó, Nguyễn Đức Tiến từng công bố giao dịch mua bán ngôi nhà ở Nghĩa Đô có tổng trị giá 5,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị mua bán trên hợp đồng chuyển nhượng (có công chứng) chỉ là 600 triệu đồng.