Đủ chiêu trò để “lách chốt”

Đạt Lê - Hoàng Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, TP trong cả nước, việc cấp giấy đi đường, thẻ nhận diện phương tiện (mã QR Code) ưu tiên theo “luồng xanh”, tạo thuận lợi cho các DN, cá nhân vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất và lưu thông qua chốt kiểm soát dịch. Tuy nhiên, có không ít cá nhân, tổ chức đã lợi dụng chính sách này để thực hiện các hành vi vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.

Tổ công tác đặc biệt công an TP Hà Nội kiểm tra giấy đi đường người tham gia giao thông trên phố Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Thanh Hải
Liên tiếp phát hiện nhiều vi phạm
Chiều 28/8 tại Hà Nội, quá trình làm việc tại chốt phòng, chống dịch số 10 +11, lực lượng chức năng kiểm tra xe ô tô BKS 98A - 201.76, nhãn hiệu Toyota Wigo màu đen do lái xe N.V.B. (SN 1990, trú tại Đông Sơn, Yên Thế, Bắc Giang) điều khiển, trên xe còn người ngồi ghế phụ là anh D.V.N. (SN 1994 trú tại Cầu Đen, Quang Thịnh, Lạng Giang, Bắc Giang). Khi lực lượng chức năng đề nghị 2 người xuống kiểm tra giấy tờ đi đường về quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, anh B. và N. đều xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân, giấy đi đường do Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ an ninh 24 giờ cấp; cùng giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính. Tuy nhiên, Tổ công tác lại phát hiện B. còn mang theo 18 giấy đi đường khác của Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ an ninh 24 giờ có ký tên, đóng dấu của công ty nhưng không có thông tin người được cấp giấy đi đường...

Trường hợp hy hữu về việc “lách chốt”, ngày 26/8, lực lượng chức năng phường Tràng Tiền (Hoàn Kiếm) đã phát hiện trường hợp dùng giấy đi đường không đúng quy định để buôn bán cá. Đáng chú ý, thông tin trong giấy đi đường thể hiện người này mới 8 tháng tuổi (thông tin ngày sinh 1/1/2021). Cụ thể, người này làm nghề bán cá, mua cá tại chợ cá Yên Sở (Hoàng Mai). Giấy đi đường do chủ hộ bán cá có ki-ốt tại chợ cá Yên Sở cấp, mẫu giấy trắng, về cá nhân tự ghi thông tin…
Một vụ việc khác, trước đó, ngày 9/8, trong quá trình làm nhiệm vụ tại địa phận xã Thái Hòa (huyện Ba Vì), tổ công tác kiểm soát dịch Covid-19 số 17 của Công an TP Hà Nội đã kiểm tra xe ô tô di chuyển hướng từ tỉnh Phú Thọ vào địa phận Hà Nội. Lái xe xuất trình đầy đủ giấy tờ, đồng thời phương tiện cũng dán giấy ưu tiên “luồng xanh”, song trên xe chở thêm 4 người đều không có hộ khẩu tại Hà Nội và không có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Đáng chú ý, ngày 27/8, Công an Hà Nội đã khởi tố bị can, tạm giam Hoàng Thị Thanh Nga (45 tuổi, chuyên viên Vụ Vận tải, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam) để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Bị can Nga bị cáo buộc cấp giấy phép "luồng xanh" cho hơn 1.000 trường hợp.
Trước đó, Nga được Tổng Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường hỗ trợ Sở GTVT Hà Nội cấp thẻ “luồng xanh” và được giao một tài khoản để sử dụng cấp thẻ. Quá trình thực hiện, Nga đã sử dụng trái phép nhiều tài khoản và móc nối với một số đối tượng để thu gom các trường hợp, cá nhân tổ chức muốn xin cấp thẻ "luồng xanh", sau đó duyệt, cấp trái phép hồ sơ để thu tiền. Nga đã duyệt cấp hơn 1.000 hồ sơ xe ô tô, hưởng lợi trên 200 triệu đồng. Các đối tượng môi giới thu tiền của chủ phương tiện từ 800.000 - 1 triệu đồng/xe...
Siết chặt kiểm soát giấy đi đường, “luồng xanh”

Sau hơn một tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã xử phạt 31.181 vụ vi phạm, trong đó cảnh cáo 295 vụ, phạt tiền 30.880 vụ, với số tiền trên 48,2 tỷ đồng; chuyển xử lý hình sự 6 vụ; đã xử lý 26.718 trường hợp ra ngoài khi không thực sự cần thiết, 2.897 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng… Đại diện Công an TP Hà Nội cho hay, trong thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai, thực hiện quyết liệt với các biện pháp, giải pháp kịp thời, chủ động.
Cụ thể, thành lập 6 Tổ cơ động mạnh kiểm soát người dân ra đường trong thời gian giãn cách xã hội. Duy trì tốt 23 chốt kiểm soát tại các tuyến đường lớn ra, vào TP; 44 chốt kiểm soát đường ngang, ngõ tắt tại các huyện, thị xã giáp ranh với tỉnh, thành khác, qua đó khép kín địa bàn, hạn chế việc sót lọt trường hợp ra vào TP không đúng diện được phép. Công an TP Hà Nội đã kiểm soát gần 480.000 lượt phương tiện, 490.000 lượt người; phát hiện 17 trường hợp nghi nhiễm Covid-19 và đưa đi cách ly theo quy định.

Công an TP cũng chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã tham mưu thành lập 4.951 chốt trong nội đô vừa để kiểm soát người, phương tiện, vừa bảo vệ các “vùng xanh”, không để lây nhiễm. Đồng thời thành lập 789 tổ tuần tra lưu động để kiểm soát, giám sát việc chấp hành giãn cách xã hội và xử lý nghiêm các trường hợp chống đối, cố tình vi phạm.

Căn cứ yêu cầu thực tiễn, Công an TP đã chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND các quận, huyện, thị xã lập các chốt cứng kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện giãn cách xã hội của người dân ngay từ gốc tại các khu dân cư, các ngõ, ngách, các đường ngang, ngõ tắt... bố trí nhiều tầng, nhiều lớp đảm bảo mọi người dân ra, vào để kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, đạt những hiệu quả tích cực.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội, Công an TP sẽ thực hiện một tháng cao điểm, tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống tội phạm và đảm bảo cuộc sống ổn định của Nhân dân. Từng đơn vị, quận, huyện, thị xã phải đưa ra giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này theo lĩnh vực theo dõi, địa bàn quản lý; thường xuyên phải tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện, từ đó so sánh, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, đưa ra giải pháp triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tiếp theo”.

Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng yêu cầu, các đơn vị tăng cường công tác quản lý cư trú, thực hiện nghiêm công tác nắm hộ, nắm người, nắm địa bàn; chỉ đạo công an cấp cơ sở nắm chắc di, biến động của người dân, đặc biệt là người tỉnh ngoài về TP để tham mưu giải quyết, xử lý kịp thời, không để nguồn dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào TP. Đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt người, phương tiện tại 23 chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra, vào Thủ đô và các chốt kiểm soát tại đường ngang, ngõ tắt giáp ranh với các tỉnh, kể cả các phương tiện “luồng xanh”, xe cứu thương, xe công vụ...

Ngày 29/8, Công an quận Hoàn Kiếm tiếp tục tăng cường thêm 2 tổ công tác đặc biệt kiểm tra giấy đi đường tại khu vực phố cổ và 1 tổ công tác hoạt động trong khu vực cách ly phường Chương Dương. Ngoài ra, trên địa bàn có 18 chốt cấm cứng 24/24 giờ là chốt cấm cứng khu vực phong tỏa, cách ly, 20 chốt từ 6 - 22 giờ là chốt kiểm soát dịch, kiểm tra người ra đường không có lý do chính đáng, 36 chốt barie không có lực lượng công an thường xuyên là chốt cấm cứng không có lực lượng trực chiến tại chốt nhưng có lực lượng thường xuyên tuần tra kiểm soát tại khu vực.

Đại tá Hà Mạnh Hùng - Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm
Bất cập hiện tại cho lực lượng kiểm soát là việc cấp giấy đi đường đang tràn lan, không thể kiểm soát hết. Đa số những giấy đi đường đều do công ty tư nhân cấp, nhiều trường hợp phát hiện còn tự cấp cho bản thân để ra đường với đủ mọi lý do chính đáng. Cho nên trong quá trình kiểm tra, cán bộ tổ công tác vừa chụp lại giấy đi đường vừa dùng biện pháp nghiệp vụ để truy xét phát hiện gian dối, từ đó tiến hành xử phạt...

Đại úy Nguyễn Khánh Thọ - Đội CSGT số 4, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Công an TP Hà Nội (phụ trách quận Hai Bà Trưng)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần