Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu: Đủ cơ sở yêu cầu Viwasupco đền bù thiệt hại

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất lượng nguồn nước không đảm bảo đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân, gây hoang mang, thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân… Do đó, người dân có đủ cơ sở để yêu cầu Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đền bù về những thiệt hại gây ra.

Liên quan đến sự cố nước sạch sông Đà bốc mùi khó chịu do bị nhiễm dầu xảy ra trong thời gian qua, nhiều chuyên gia khẳng định, dầu khi bị lẫn vào nước mà không có các thiết bị lọc thì sẽ tồn tại rất lâu.
Cũng theo nhiều chuyên gia, để xử lý được tình trạng trên, người ta chỉ có thể dùng biện pháp hấp thụ chứ không để trông chờ vào các biện pháp hóa học. Tuy nhiên, ngay cả việc xử lý bằng phương pháp hấp thụ cũng rất khó xử lý vì chi phí đắt, đó là chưa kể đến việc dầu, mỡ đã nhiễm vào lớp bùn đất, thảm thực vật xung quanh nơi xảy ra sự cố.
Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, theo nhiều chuyên gia, việc sử dụng nước nhiễm dầu, mỡ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân. Tùy từng mức độ tiếp xúc có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe như các vấn đề về dị ứng (mắt, da...), các tác dụng thần kinh (nhức đầu, chóng mặt...), tổn thương hô hấp, tổn thương gan, giảm khả năng miễn dịch, thậm chí tăng nguy cơ ung thư và tổn thương sinh sản…
Suối Khại nơi cấp nước cho Nhà máy nước sông Đà vẫn chìm trong dầu mỡ.
Được biết, tại văn bản báo cáo Sở Xây dựng, lãnh đạo Viwasupco cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, nhà máy đã đóng van cấp nước vào nước ở bể chứa trung gian và tiến hành xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy thông qua van xả cặn đoạn từ nhà máy về đến bể chứa trung gian.
Cùng với đó, Viwasupco đã sử dụng phao, gối hút dầu chuyên dụng trên kênh dẫn nước hồ 500m làm khu vực tách dầu và thu gom và vị trí đặt phao. Cửa kênh nhận nước dẫn từ hồ Đầm Bài đến Trạm bơm hồ nhưng cho chắn rác tại cuối kênh. Về xử lý công nghệ, Viwasupco tiến hành chắn bổ sung than hoạt tính vào khu xử lý để tăng cường xử lý, cũng như chậm tăng hóa chất xử lý trong đó có clo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 0,8 mg/l.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại khu vực suối Khại - nguồn nguyên liệu để sản xuất nước sạch sông Đà, lượng hóa chất tồn đọng dưới lòng suối và thảm thực vật 2 bên bờ còn rất lớn. Thậm chí, tại khu vực bị đổ trộm dầu mỡ, Viwasupco đã tiến hành đổ cát để ngăn sự phát tán của dầu mỡ đến nguồn nước… một cách rất tạm bợ, chỉ cần một trận mưa lớn, dầu mỡ tiếp tục sẽ tràn về hồ chứa nước của Nhà máy nước sạch sông Đà.
Dầu bám đầy sườn núi, sẵn sàng chảy xuống suối Khại.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh khẳng định, nếu xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp nước thì hành vi này là hết sức đáng lên án và cần phải xử lý theo quy định pháp luật. Việc xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra.
Cũng theo Luật sư Diệp Năng Bình, bên cạnh những thiệt hại về tinh thần trước sự hoang mang, lo lắng của hàng trăm nghìn người dân Thủ đô, những thiệt hại về kinh tế cũng không nhỏ khi người dân phải tự đi mua nước đóng bình về để phục vụ sinh hoạt, phải thay bộ lõi lọc cho các máy lọc nước trong gia đình...
Do đó, người dân hoàn toàn đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ những thiệt hại gây ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần