70 năm giải phóng Thủ đô

Dư địa hút đầu tư lớn nhưng công nghiệp điện tử vẫn chỉ gia công

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong top xuất khẩu thế giới, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành điện tử càng tăng. Do vậy, ngành điện tử vẫn có rất nhiều tiềm năng hút dầu tư, song bị đánh giá vẫn đang chỉ là gia công.

Công nhân Samsung trong dây chuyền sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh
Công nhân Samsung trong dây chuyền sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh

Chiếm tỷ trọng nhỏ

Thực tế cho thấy, việc tăng lãi suất và xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu… tác động lớn tới phục hồi sản xuất, kinh doanh và thị trường tài chính thế giới, gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu là bức tranh kinh tế thế giới 2023, trong đó có ngành công nghiệp điện tử.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) Đỗ Thị Thúy Hường cho rằng, khu vực Đông Nam Á ghi nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng 44% giai đoạn hậu Covid-19.

Các khoản đầu tư đang đổ vào nhóm ngành điện tử, công nghệ cao và Việt Nam nổi lên với năng lực sản xuất đạt mức kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế. Báo cáo Đầu tư Thế giới 2022 của UNCTAD cho thấy, tại châu Á, nơi nhận 40% vốn FDI toàn cầu, đã chứng kiến dòng chảy tăng trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2021 lên mức cao nhất mọi thời đại là 619 tỷ USD.

Theo bà Thúy Hường, năm 2021, Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD, riêng ngành điện tử xuất siêu 11,5 tỷ USD. Năm 2022, Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD, riêng ngành điện tử xuất siêu 11,24 tỷ USD, chiếm 30,08% tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước (371,85 tỷ USD). Đứng thứ 12 trên thế giới về xuất khẩu điện tử. 6 tháng năm 2023, xuất khẩu điện tử đạt 49,78 tỷ USD, xuất siêu 7,84 tỷ USD.

Máy tính Thánh Gióng là một trong những doanh nghiệp Việt đang cũng cấp sản phẩm đến người tiêu dùng. Ảnh: Khắc Kiên
Máy tính Thánh Gióng là một trong những doanh nghiệp Việt đang cũng cấp sản phẩm đến người tiêu dùng. Ảnh: Khắc Kiên

Ngành công nghiệp điện tử đã góp phần rất lớn vào việc cân bằng ngoại hối và cán cân thương mại cho cả nước. “Để có được kết quả đó, các doanh nghiệp đã tối ưu các nguồn lực dựa trên công nghệ, hình thành nền kinh tế theo nhu cầu (nền kinh tế chia sẻ)” – vị này khẳng định.

Hiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử được hưởng ưu đãi khi đầu tư. Mỗi vùng, miền đều có lợi thế về vị trí địa lý khác nhau. 

Dù số lượng dự án đầu tư vào ngành điện tử thể hiện đà tăng liên tiếp, nhưng giảm vào giai đoạn dịch Covid-19, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, quý I/2023 quy mô vốn đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, tổng vốn đăng ký thu hút đầu tư đã cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một diễn biến tốt, cho thấy các điều kiện thu hút đầu tư của Việt Nam, từ đó hoàn thiện chuỗi cung ứng.

Theo bà Thúy Hường, vốn FDI thường chiếm từ 80 – 100% tổng vốn đầu tư của ngành điện tử. Trong khi vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước hoặc liên doanh đều chiếm tỷ trọng nhỏ. Trong đó, miền Bắc nổi trội về thu hút FDI, chiếm tỷ trọng áp đảo với tỷ lệ 78% số dự án lớn và tổng vốn đầu tư lên tới 81% toàn ngành điện tử tại Việt Nam.

Tiếp sau miền Nam, chiếm tỷ trọng 17% số lượng dự án đầu tư. Miền Trung có xu hướng tăng trưởng thu hút FDI trong những năm gần đây, giai đoạn 2013 - 2016 mới chỉ thu hút được 2 – 3% số dự án, đến năm 2022, tỷ lệ này đã lên đến 10% và đang có xu hướng đi lên rõ nét.

7 khuyến nghị để phát triển

Thực tế trong những năm qua, việc đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam được trải rộng tương đối đầy đủ trong hầu hết các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất và gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện và lắp ráp gia công, hoàn thiện sản phẩm. Điều đó cho thấy, công nghiệp điện tử chỉ mạnh về sản xuất gia công linh kiện, cụm linh kiện.

Nhân viên Canon thao tác xử lý sản phẩm tại một triển làm. Ảnh: Khắc Kiên
Nhân viên Canon thao tác xử lý sản phẩm tại một triển làm. Ảnh: Khắc Kiên

Trong đó, lĩnh vực sản xuất và gia công chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Các dự án gia công lắp ráp sản phẩm hoàn thiện chiếm số lượng dự án ít, nhưng số vốn đầu tư lại lớn...

Vì thế, bà Thúy Hường khuyến nghị, thứ nhất, cần có chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí cần có “ngoại giao đơn hàng” (marketing tầm Chính phủ) như đã từng làm “ngoại giao vaccine”. Thứ hai, thu hút FDI có chọn lọc, có tính lan tỏa và tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng ở vị thế chủ lực.

Thứ ba, công tác dự báo và đánh giá chính sách, số liệu thống kê cần làm kịp thời,liên tục, công khai và minh bạch hơn nữa. Thứ tư, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề trung hạn và dài hạn cho lao động ngành điện tử. Thứ năm, có chính sách và tính thực thi mạnh về hỗ trợ nguồn cung tài chính, lãi suất đặc biệt cho DN khối ngành sản xuất công nghiệp điện tử, chế biến chế tạo.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các quy định tiêu chuẩn ngành tới từng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu tổ chức thực hiện. Thứ bảy, rà soát các quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ để doanh nghiệp tiếp cận và triển khai có hiệu quả.

“Để đón đầu, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp có đủ năng lực tiếp nhận công nghệ, cũng như đủ lực cạnh tranh, giữ được thị trường trong nước” – bà Thúy Hường nói.

Cùng với đó, khi mở cửa cho doanh nghiệp FDI, cần tập trung cho việc chọn lọc công nghệ thượng nguồn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao với những công nghệ đã có sẵn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước. Bên cạnh đó, các công nghệ vào Việt Nam phải không tiêu thụ nhiều năng lượng, gây hại môi trường, đi kèm điều kiện quan trọng cam kết phát triển bao nhiêu nhà cung ứng là doanh nghiệp Việt trong chuỗi với thời gian xác định cụ thể.