Dự kiến, 5/1 bắt đầu lấy ý kiến Nhân dân vào Dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi)

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/12, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) sau khi đã chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của ĐB Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và xem xét Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc giao cho Chính phủ lấy ý kiến toàn thể Nhân dân và Dự án Luật cũng như những vấn đề trọng tâm thông qua các đầu mối chính là Chính phủ (các Bộ, ngành, địa phương), Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam (các tổ chức đoàn thể, đoàn luật sư...), Tòa án, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Hình thức lấy ý kiến có thể là đóng góp trực tiếp bằng văn bản, qua hội thảo, hội nghị hoặc chuyển về các trang thông tin của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp...

Thời gian lấy ý kiến dự định là 3 tháng, bắt đầu từ ngày 5/1 và kết thúc vào ngày 5/4/2015. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: Đây chỉ là thời gian cao điểm để đảm bảo tiến độ tổng hợp ý kiến góp ý, Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII. Sau đó, cơ quan soạn thảo vẫn phải tiếp nhận tất cả các ý kiến qua đóng góp qua các đầu mối và có trách nhiệm tập hợp về. Việc lấy ý kiến chỉ kết thúc khi Quốc hội đã thông qua Bộ luật.

Cơ quan soạn thảo là Bộ Tư pháp cũng điểm ra 10 nội dung trọng tâm được dự kiến đưa ra xin ý kiến Nhân dân như: Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; Quyền nhân thân của cá nhân; Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; Thời hiệu và thời hiệu về thừa kế; Thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; Hình thức sở hữu; Lỗi trong trách nhiệm dân sự; Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần