Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Ngoại thương đã thông qua phương án trúng tuyển đối với 2 phương thức tuyển sinh gồm: Phương thức sử dụng kết quả thi THPT và phương thức kết hợp giữa kết quả thi THPT và chứng chỉ quốc tế.
Với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT, điểm trúng tuyển của nhóm ngành cao nhất dự kiến là 28,4 và điểm trúng tuyển của ngành cao nhất dự kiến là 28,9. Đây cũng là ngành có số lượng chỉ tiêu lớn nhất của trường (720 chỉ tiêu).
Với phương thức xét tuyển kết hợp sử dụng kết quả thi THPT và chứng chỉ quốc tế, điểm trúng tuyển của chương trình cao nhất dự kiến là 28,1 (quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế về thang điểm 10 của trường ĐH Ngoại thương là ở mức thấp so với nhiều trường đại học khác).
Theo dự kiến, khoảng cách chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm ngành/ngành của trường ĐH Ngoại thương năm 2022 về cơ bản là không nhiều. Điều này cũng thể hiện sự đồng đều giữa các ngành về chất lượng tuyển sinh đầu vào.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), thông tin kết quả sau 5 lần lọc ảo cho thấy điểm chuẩn các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội tương đối ổn định so với năm 2021. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển ở một số tổ hợp có tăng khoảng 2 điểm so với năm 2021. 3 ngành học dự kiến lấy điểm chuẩn ở mức 30 là Hàn Quốc học, Đông phương học, Quan hệ công chúng của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Thí sinh đăng ký xét tuyển ngành này bằng tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí) dự kiến phải đạt ba điểm 10 hoặc đạt tổng 27,25 điểm trở lên và có tối đa 2,75 điểm ưu tiên.
Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú cho biết: Qua 4 lần lọc ảo, dự kiến điểm chuẩn các ngành của ĐH Y Hà Nội có thể giảm nhẹ từ 0,5-1 điểm so với năm trước, trong đó ngành Y khoa sẽ có điểm trúng tuyển cao nhất, không có ngành nào điểm chuẩn tăng. Nguyên nhân bởi năm nay tỉ lệ thí sinh đạt điểm từ 27 trở lên và số thí sinh đạt điểm 10 các bài thi giảm; phổ điểm thi tốt nghiệp THPT ở khối B00 (Toán, Hóa, Sinh) thấp hơn năm 2021.
TS Phạm Quang Dũng, Phó Trưởng phòng đào tạo, trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải dự đoán điểm chuẩn của trường ổn định như năm 2021, không tăng đột biến. Một số ngành "nóng" nếu có tăng chỉ giao động trong khoảng 0,25 – 0,5 điểm, có ngành tăng cao nhất 1 điểm.
Theo TS Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Thủy lợi: Dự kiến điểm chuẩn của trường cao hơn từ 1-3 điểm và tập trung tăng tại một số ngành hot thuộc nhóm ngành kỹ thuật và kinh tế như: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Cơ Điện tử, Điều khiển và tự động hóa, Thương mại điện tử, Logistic và quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, một số ngành có mức điểm chuẩn tương đương năm trước, song không có ngành nào điểm chuẩn giảm.
Với Học viện Phụ nữ Việt Nam, dự kiến điểm trúng tuyển một số ngành sẽ tăng nhẹ. Các ngành như: Truyền thông đa phương tiện, Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Kinh tế,... có số lượng nguyện vọng và phổ điểm đăng ký của thí sinh đều tăng hơn năm ngoái.
PGS.TS Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng Truyền thông, ĐH Mỏ Địa chất cho biết, sau 4 lần lọc ảo, dự kiến mức điểm chuẩn các ngành tại trường năm nay không có nhiều biến động so với năm trước. Chỉ có một số ngành hot như kinh tế, công nghệ thông tin, tự động hóa điểm chuẩn có xu hướng tăng nhẹ, dự kiến từ 20-22 điểm tùy từng ngành. Bên cạnh đó, một số ngành mang tính đặc thù, ngành mới mở điểm chuẩn dao động từ 16-17 điểm.
Đại diện ĐH Điện lực cho hay: Đến thời điểm này, dự báo mức điểm chuẩn một số ngành có thể tăng từ 0,5 – 1 điểm so với năm trước. Trong đó, dự kiến ngành Công nghệ thông tin vẫn có mức điểm chuẩn cao nhất; các ngành về kinh tế như: Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - ngân hàng cũng sẽ tăng nhẹ.
Theo đúng kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ chiều 15/7 đến trước 17 giờ ngày 17/9, các trường sẽ chính thức công bố kết quả xét tuyển (điểm chuẩn) năm 2022.