Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội là 90.260 tỷ đồng

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 29/6, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã họp phiên thứ 21, tiến hành thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021- 2025.

Trình bày báo cáo của Chính phủ về Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh nhận định: Để thực hiện hiệu quả mục tiêu nhiệm vụ giảm nghèo được xác định trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều bền vững, bao trùm, việc xây dựng đề xuất chương trình đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là phấn đấu nâng cao thu nhập và bảo đảm các chiều dịch vụ xã hội cơ bản (về việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, thông tin) để tiến tới xoá bỏ nghèo đói cho mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều.
 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh:Quochoi.vn
Đến năm 2025, giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; riêng các huyện nghèo duy trì mức giảm 3,5-4%/ năm; 50% số huyện nghèo, 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Cùng với mục tiêu giảm nghèo, đề xuất cũng đặt ra mục tiêu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc làm bền vững và trợ giúp xã hội. Theo đó, đề xuất đặt mục tiêu tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đang học các chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học đạt 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%... Tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%, tỷ lệ thiếu việc làm dưới 1,89%.
Khoảng 3,5% dân số được hưởng hỗ trợ hàng tháng tại cộng đồng; 100% người gặp khó khăn được hưởng hỗ trợ xã hội đột xuất; 10% dân số sử dụng các dịch vụ trợ giúp xã hội...
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước; khuyến khích các địa phương vận dụng các chính sách, cơ chế giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương.
 Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh báo cáo tại phiên họp
Dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình là 90.260 tỷ đồng, trong đó, ngân sách T.Ư 50.000 tỷ đồng (vốn đầu tư tối thiểu: 20.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 20.000 tỷ đồng); ngân sách địa phương là 21.760 tỷ đồng (vốn đầu tư: 10.350 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 11.410 tỷ đồng); huy động hợp pháp khác khoảng 18.500 tỷ đồng (vốn đầu tư: 11.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 7.500 tỷ đồng).
Chương trình gồm 4 dự án: Giảm nghèo; Phát triển hệ thống Giáo dục nghề nghiệp và Việc làm bền vững; Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội; Giám sát, đánh giá Chương trình; và 11 tiểu dự án nằm trong 4 dự án lớn.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Chương trình tập trung giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế xã hội cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia, gồm: tiếp tục thực hiện các nội dung và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 chưa hoàn thành cụ thể, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững tại một số địa phương, tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao do thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh, ốm đau, một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn trên 40%, có nơi đến 60%, cơ sở hạ tầng và đời sống người dân còn khó khăn…
Tại phiên họp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng thông tin một số kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn còn 2,75% năm 2020, trung bình giảm 1,43%/năm (chỉ tiêu: 1-1,5%/năm), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm (chỉ tiêu: 3-4%), có hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo cuối năm 2020 còn 23,42%, trung bình giảm 5,4%/năm (chỉ tiêu: 4%/năm). Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được cải thiện, hàng triệu hộ thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, nhiều địa bàn thoát nghèo.
Trong phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc xây dựng chương trình này trong giai đoạn mới cần bảo đảm sự thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều; đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người nghèo, vùng nghèo, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thiện chính sách giảm nghèo phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế đồng thời gắn với mục tiêu phát triển bền vững; người nghèo được tham gia và thụ hưởng các thành quả của tăng trưởng. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực giảm nghèo, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.