Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đủ kiểu di dời hiện vật lạ tại Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Hậu" yêu cầu di dời hiện vật lạ, thanh tra Sở VHTT&DL Hà Nội đã tiến hành thanh, kiểm tra quá trình thực hiện tại một số quận, huyện. Qua kiểm tra 7/30 quận, huyện cho thấy, các đơn vị đã gặp khó khi "chạm tay" xử lý sai phạm ở di tích.

Nơi bảo dễ, nơi lại kêu khó

Tính đến thời điểm này, có thể xác định, quận Long Biên và quận Bắc Từ Liêm đã chính thức xóa trắng sư tử trước thời gian quy định (30/11) của cơ quan chức năng. Ngược lại, việc di dời linh vật ngoại lai ở các huyện Đông Anh, Thanh Trì lại gặp rất nhiều khó khăn. Hầu như việc thực hiện được ở những địa bàn này mới chỉ dừng lại là thống kê, chưa di dời. Cụ thể, tại đình Thiên Úng (xã Vân Hà, huyện Đông Anh) những cặp sư tử đá vừa hung dữ, vừa sắc quái ngạo nghễ trấn giữ trước sân đình. Bên cạnh đó, các cặp đèn đá, rồng tạc đá, bàn đá mới được tạc còn chưa lỳ màu vẫn tồn tại lạc lõng giữa không gian rêu phong của di tích đình và chùa Nguyên Khê (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh). Tại chùa Long Khánh (thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) còn sở hữu 18 pho tượng kỳ quái bằng sứ, người trông coi chùa cũng không rõ các bức tượng đó mang ý nghĩa biểu tượng gì của Phật giáo.

 
Hiện vật lạ tại đình Nguyên Xá, huyện Đông Anh.  	Ảnh: Thanh Loan
Hiện vật lạ tại đình Nguyên Xá, huyện Đông Anh. Ảnh: Thanh Loan
Theo cán bộ văn hóa của nhiều địa bàn, sở dĩ khó di dời hiện vật lạ là bởi họ không biết di dời đi đâu, lấy tiền ở đâu để cẩu sư tử đá ra khỏi di tích. Theo thông lệ, sư trụ trì có vai trò quyết định quan trọng trong việc di dời hay để lại các hiện vật. Trong khi đó, cơ quan quản lý văn hóa không có thẩm quyền khiển trách nên không dễ thuyết phục được nhà sư. Không phó mặc cho ban quản lý di tích, tại các quận Đống Đa, Long Biên, Bắc Từ Liêm, ngoài việc tổ chức tuyên truyền vận động trên loa đài truyền thanh phường, xã, tổ chức hội nghị nhận diện linh vật thuần Việt, địa phương còn cắt cử những gương mặt lớn tuổi có uy tín đi thuyết phục sư trụ trì. "Đôi khi chúng tôi phải sử dụng cả ý kiến của người dân sống xung quanh di tích làm sức ép để nhà sư tuân thủ đúng quy định của Luật Di sản" - ông Nguyễn Trọng Duy - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Long Biên cho biết.

Không phải băn khoăn nhiều về cách thức di dời hiện vật, chờ đợi hướng dẫn của ngành, quận Long Biên chọn các phương án mang sư tử ra nghĩa trang, chôn đất và đập tại chỗ. Kinh phí di dời do các ban quản lý di tích chi trả, hoặc UBND xã, phường hỗ trợ. 4 con sư tử đá tại chùa Đình Quán (quận Bắc Từ Liêm) được nhà sư yêu cầu gia đình cung tiến chi trả và lên phương án di dời. Theo ông Lê Bình Minh - Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Bắc Từ Liêm: "Quá trình tiếp nhận sư tử đá không mang nhiều thủ tục tâm linh như: Hô thần, nhập tượng, chỉ là các gia đình cung tiến và nhà chùa chạy theo phong trào. Chính vì vậy, công tác di dời ở địa bàn không gặp nhiều cản trở".

Bài toán dành cho tượng quan âm bạch y

Thực hiện tinh thần Công văn 2662/BVHTTDL-MTTLNA, cái khó của nhà quản lý văn hóa không phải là sư tử đá, đèn đá hay cầu đá; mà là tượng quan âm bạch y. Bởi vì, theo ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL: "Tượng quan âm bạch y được du nhập vào miền Bắc từ giữa thế kỷ trước, thể hiện tư tưởng mong được cứu nhân độ thế, giải thoát khỏi chế độ đang sống. Ý nghĩa thờ bức tượng không phù hợp với thời hiện tại". Vẫn biết vậy, nhưng qua khảo sát sơ bộ tại các di tích trong 7 quận, huyện vừa qua, có tới hơn 90% di tích có sự hiện diện của tượng quan âm bạch y. Tại chùa Đình Quán (quận Bắc Từ Liêm) bức tượng còn đặt tại một vị trí phản cảm, quay lưng về phía tòa Tam bảo. Không nhỏ gọn như các hiện vật khác, tượng quan âm bạch y thường là tảng khối lớn, được các khu di tích dành cả khuôn viên tạo dựng. Hơn nữa, Bộ VHTT&DL khi ra Công văn 2662 nhưng không có hướng dẫn đi kèm khiến từng địa phương lúng túng. Nhất là khi đặt Luật Di sản và giá trị tâm linh khi bức tượng đã hô thần nhập tượng in sâu trong chốn di tích hàng chục năm nay lên bàn cân, chưa rõ được bên nào có sức nặng hơn bên nào.

Chính vì vậy, ngành văn hóa Hà Nội mới chỉ dám chắc chắn xử lý được sư tử đá trước ngày 30/11. Còn đến nay, không nhà quản lý nào đủ tự tin đưa ra quyết định đập bỏ, hay chôn đất tượng quan âm bạch y. Phải chăng phải chọn giải pháp giải thần, xóa tượng đối với hiện vật này?