Du lịch có trách nhiệm: Mục tiêu phát triển chiến lược

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với tốc độ tăng trưởng du lịch trung bình hằng năm 9% trong suốt thập kỷ vừa qua, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực này.

Theo ông Kai Partale, chuyên gia dự án Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do EU tài trợ, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về loại hình du lịch có trách nhiệm là việc làm thiết thực, bảo đảm tính bền vững của điểm đến, góp phần phát triển du lịch Việt Nam.

Du lịch có trách nhiệm là loại hình du lịch không còn xa lạ với các nước phương Tây nhưng với Việt Nam, loại hình du lịch này vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu.

Du lịch có trách nhiệm được hiểu là trách nhiệm của các tổ chức và du khách về kinh tế, xã hội và môi trường trong tất cả các lĩnh vực hoạt động du lịch, từ hoạch định chính sách đến quy hoạch, khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm, tổ chức kinh doanh và phục vụ khách du lịch.

Phát triển loại hình du lịch này sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và môi trường, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân địa phương và tăng thu nhập cho các cộng đồng dân cư, cải thiện điều kiện làm việc và khuyến khích người dân tham gia vào quá trình quyết định những vấn đề ảnh hưởng tới sinh kế của họ, từ đó tác động đến ý thức cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn, gìn giữ các di sản tự nhiên và văn hóa.
 
Du lịch có trách nhiệm: Mục tiêu phát triển chiến lược - Ảnh 1
 
 
Du khách trên hành trình khám phá Fansipan. Ảnh minh họa. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo ông Kai Partale, với tốc độ tăng trưởng du lịch trung bình hằng năm 9% trong suốt thập kỷ vừa qua, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực này.

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam đón tiếp hơn 6 triệu du khách, với tỷ lệ tăng mạnh nhất là từ khu vực Bắc Á và các quốc gia ASEAN. Việt Nam cũng có một thị trường du lịch nội địa dồi dào và tất yếu sẽ ngày càng phát triển khi kinh tế tiếp tục được nâng cao.

Như vậy, thách thức đặt ra là Việt Nam sẽ làm gì với các sản phẩm du lịch của mình nhằm quản lý hiệu quả lượng du khách không ngừng tăng nhanh đồng thời vẫn đảm bảo sự hài lòng của họ.

Thực tế là ở nhiều nơi, sự tăng trưởng và phát triển không kiểm soát của du lịch lại gây ra những tác động tiêu cực đến thiên nhiên, môi trường, và các cộng đồng địa phương.

Những tác động tiêu cực này có khi là việc chiếm dụng một diện tích đất rộng lớn để làm du lịch, có khi là việc gây biến dạng sinh cảnh tự nhiên, hoặc sự xâm phạm của khách du lịch vào hệ sinh thái dễ bị tổn thương. Tác động tiêu cực về môi trường bao gồm sự can thiệp của cơ sở hạ tầng vào cảnh quan thiên nhiên, mức tiêu thụ nước và năng lượng cao, ô nhiễm nguồn nước, lượng rác thải tăng đột biến, và nhiều ảnh hưởng bất lợi khác.

Tại Việt Nam, loại hình du lịch có trách nhiệm đã được các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp du lịch lồng ghép trong các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng quê… nhằm bảo tồn tài nguyên, kéo cộng đồng vào cùng tham gia và hưởng lợi.

Ngoài việc tổ chức các tour, tuyến gắn thiên nhiên, khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân và du khách, Việt Nam đang có những bước đi mới hơn, đó là việc xây dựng các điểm bán hàng, các loại hình dịch vụ hay việc chung tay chống chèo kéo du khách… nhằm thể hiện trách nhiệm với môi trường.

Các doanh nghiệp lữ hành, du lịch cũng đã đưa vào chương trình những tour như đi bộ, đi xe đạp, xích lô… kết hợp với các hoạt động bảo vệ môi trường và nhận được sự hưởng ứng cao từ cộng đồng dân cư và du khách. Đó cũng chính là những hành động có trách nhiệm.

Ông Phạm Quang Hưng, Giám đốc Chi nhánh Vietravel miền Bắc bày tỏ, du lịch trách nhiệm không phải là một sản phẩm cụ thể nào cả, mà là người làm du lịch, đi du lịch và hưởng lợi từ du lịch phải thể hiện được trách nhiệm của mình với môi trường, cộng đồng và xã hội.

Đưa ra một thông điệp đơn giản “Không xả rác”, Vietravel mất nhiều năm nỗ lực để có được một chiến dịch truyền thông hiệu quả. Đó là các hoạt động riêng lẻ nhưng đều đặn, kiên trì vận động người dân và tình nguyện viên tại điểm đến, kiên trì thuyết phục để nhận sự ủng hộ từ cơ quan quản lý tại địa phương.

Và sau đó là một chiến dịch quy mô, đồng bộ, diễn ra tại các điểm nóng về du lịch, cùng số lượng người tham gia đông đảo.

Ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam khẳng định du lịch có trách nhiệm là mục tiêu lớn nhất trong chiến lược phát triển của ngành này trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, du lịch có trách nhiệm không đơn thuần mang ý nghĩa là một loại hình du lịch, như du lịch bãi biển, du lịch di sản, hay du lịch cộng đồng. Ngược lại, du lịch có trách nhiệm mang ý nghĩa về những hệ quả và tác động của du lịch đối với môi trường, người dân, và nền kinh tế địa phương.

Du lịch có trách nhiệm không chỉ là vấn đề riêng của các khu vực môi trường tự nhiên được bảo vệ, mà bất kỳ doanh nghiệp du lịch nào, dù là ở một đô thị sầm uất, trung tâm tỉnh lị, hay trên vùng bình nguyên xa xôi, trong các làng mạc, trên hải đảo, đều có thể phát triển du lịch có trách nhiệm.

Để thúc đẩy du lịch có trách nhiệm, theo ông Phạm Trung Lương, các ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền, quảng bá tới tất cả các bên liên quan từ khu vực hành chính công, doanh nghiệp du lịch địa phương, du khách, doanh nghiệp du lịch quốc tế.

Đối với cơ quan quản lý du lịch tại địa phương cần xây dựng chính sách, chiến lược, quan điểm phát triển loại hình du lịch này rõ ràng. Với doanh nghiệp lữ hành cần tập trung xây dựng chính sách, chiến lược doanh nghiệp phù hợp với nguyên tắc có trách nhiệm; xây dựng các sản phẩm du lịch có trách nhiệm và hướng dẫn du khách thực hiện du lịch có trách nhiệm.

Đồng thời, khuyến khích các hoạt động du lịch tình nguyện và các hoạt động mang tính trách nhiệm cao. Còn với khách du lịch cần tìm hiểu và tuân thủ các tập tục địa phương, lựa chọn các doanh nghiệp có quan điểm, tôn chỉ và hoạt động hướng đến sự bền vững và có trách nhiệm; sẵn sàng tham gia các hoạt động môi trường, ủng hộ phát triển kinh tế-xã hội địa phương./.