Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Đà Nẵng vực dậy bằng thị trường khách nội địa

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình hiện nay, thị trường khách nội địa chính là đòn bẩy vực dậy ngành du lịch trong nước.

Du lịch Đà Nẵng ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19
Ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng - du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong quý 1 năm 2020, tổng thiệt hại trực tiếp của ngành du lịch TP khoảng hơn 1.859 tỷ đồng. Lũy kế quý 2, ước tổng thiệt hại là 5.672 tỷ đồng.
Trong đó, ước tính thiệt hại tại DN lữ hành khoảng 550 tỷ đồng; tại các đơn vị vận chuyển là 432 tỷ đồng; tại các đơn vị kinh doanh đường thủy nội địa là 11 tỷ đồng; tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.000 tỷ đồng và tại các khu, điểm du lịch khoảng 690 tỷ đồng.
“Ước lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, tổng khách tham quan du lịch Đà Nẵng đạt xấp xỉ 1 triệu lượt, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 575.000 lượt, giảm 50% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt 493.000 lượt, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu du lịch giảm 51% so với cùng kỳ lũy kế 4 tháng 2019”, Sở Du lịch Đà Nẵng thông tin.
Du lịch khôi phục bằng cách nào?
Theo nhận định chung, trong bối cảnh Việt Nam đã cơ bản ngăn chặn thành công dịch Covid-19 nhưng tình hình dịch bệnh tại khu vực và thế giới vẫn phức tạp thì khách nội địa chính là đòn bẩy vực dậy ngành du lịch trong nước.
Bà Nguyễn Thị Hoài An - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho rằng: Trong thời điểm này, khách du lịch nội địa đã dần có nhu cầu đi du lịch trở lại ở các điểm gần. Do đó, Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP Đà Nẵng sẽ triển khai các chiến dịch truyền thông sinh động, hấp dẫn nhằm quảng bá, kích cầu du lịch nội địa.
 Khai thác thị trường khách nội địa là giải pháp nhằm vực dậy ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay.
Trong khi đó, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng bày tỏ: Trong điều kiện thực tế các địa phương đều nhắm đến thị trường nội địa thì Đà Nẵng cần phải tạo ra sự khác biệt. Hiện tại, các DN du lịch chưa có khách nhưng vẫn phải xúc tiến những chương trình kích cầu mùa hè, sau đó là kích cầu cuối năm; các khách sạn riêng lẻ cần triển khai nhiều chương trình giảm giá kích cầu, miễn phí visa cho tất cả thị trường, miễn phí tham quan, cũng như làm mới các sản phẩm.
Song song với đó, ngành du lịch cần đẩy mạnh truyền thông trực tuyến, triển khai chương trình xúc tiến quảng bá kích cầu du lịch. “Nếu không nhanh chóng tạo ra hình ảnh mới cho điểm đến Đà Nẵng thì những thị trường nhạy cảm như Hàn Quốc họ sẽ thay đổi điểm đến”, ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Phó Chủ tịch thường trực Hội khách sạn Đà Nẵng bày tỏ.
Cầu Tình yêu - địa điểm check-in của nhiều du khách khi đến Đà Nẵng. 
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình nhấn mạnh: Ưu tiên tập trung hiện nay chính là thu hút phát triển thị trường khách nội địa, thúc đẩy tăng trưởng lượng khách ngay trong mùa cao điểm du lịch hè. Trong đó, chú trọng nguồn khách từ các thị trường có điểm đến gần, thuận tiện di chuyển, đặc biệt là gia tăng nguồn khách nội địa từ thị trường trọng điểm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ cùng với các DN và Hiệp hội Du lịch tổ chức lại hoạt động của mình, khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức lại các loại hình phục vụ theo hướng du lịch nội địa.
Đồng thời, tập trung khai thác du lịch kết hợp với bảo tồn các di sản văn hóa, giới thiệu tập quán, sản phẩm của địa phương tới du khách; huy động cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực và phát triển kinh tế của địa phương.
Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết: "TP Đà Nẵng đang triển khai các giải pháp hiệu quả để vực dậy ngành du lịch trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến nhanh và phức tạp trên thế giới. Trong đó tập trung vào 8 hướng giải pháp: Truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch, bảo đảm an toàn điểm đến Đà Nẵng; xúc tiến và duy trì đường bay khi Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay; nghiên cứu khảo sát và đánh giá các thị trường khách, liên kết phát triển du lịch; hỗ trợ DN, xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch…".